Ung thư vòm họng là bệnh lý ác tính phát sinh từ các tế bào ở vùng vòm họng – phần cao nhất của hầu họng, ngay phía sau của mũi. Bệnh thường gặp ở nam giới lứa tuổi 40 – 60, ở những người có thói quen sống không lành mạnh và những người có tiền sử gia đình mắc ung thư vòm họng. Khi có các triệu chứng cảm cúm, sổ mũi không chữa khỏi, người bệnh nên đi khám để kiểm tra vòm họng sớm.

Tổng quan về ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng (UTVH) là một căn bệnh rất nguy hiểm. Căn bệnh bao gồm ung thư mũi hầu (phần trên của họng, ngay sau mũi), ung thư hầu họng (phần giữa của họng) và ung thư hạ hầu hay còn gọi là ung thư hạ họng (phần dưới cùng của họng). Đây là căn bệnh thường gặp trong nhóm “ung thư đầu và cổ”.

UTVH là một căn bệnh rất nguy hiểm. Bệnh có biểu hiện tại họng làm người bệnh nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp nên chủ quan, khi phát hiện thường đã ở giai đoạn muộn và diễn biến nhanh chóng. Nếu không được điều trị kịp thời, những tế bào đột biến này có khả năng di căn đến các bộ phận khác (chủ yếu là xương, phổi và gan) của cơ thể thông qua mô, hệ thống bạch huyết và máu.

Nguyên nhân gây bệnh ung thư vòm họng vẫn chưa được xác định chính xác, chỉ tồn tại một số các yếu tố làm tăng nguy cơ.

Ung thư mũi hầu

Mũi hầu là phần trên của họng và phía sau mũi. NPC là loại ung thư đứng đầu trong các loại ung thư vùng đầu cổ, và đứng hàng thứ 6 trong các loại ung thư nói chung. Tỷ lệ mắc bệnh cao ở một số chủng tộc, đặc biệt là châu Á. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao gấp 2 -3 lần so với nữ giới. Ung thư mũi hầu có tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời.

Ung thư hầu họng

Hầu họng là phần giữa của họng và phía sau mũi. Ung thư hầu họng gồm đáy lưỡi, amidan, khẩu cái mềm và thành sau họng. Loại ung thư này đang có xu hướng gia tăng, và 70% trường hợp là do virus u nhú ở người (ví dụ như HPV type 16) lây truyền qua đường tình dục khi quan hệ tình dục bằng miệng gây ra. Ung thư họng hầu HPV (+) có tiên lượng tốt hơn và có hướng điều trị khác so với ung thư họng hầu HPV (-).

Nam giới có nguy cơ mắc bệnh ung thư hầu họng cao gấp 2 lần phụ nữ.

Ung thư hạ hầu (hạ họng)

Hạ hầu (hạ họng) là phần dưới cùng của họng. Ung thư hạ họng hiếm gặp. Số lượng ca mắc mới đang có xu hướng giảm do giảm hút thuốc lá.

Nguyên nhân gây bệnh ung thư vòm họng

Tương tự những loại ung thư khác, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định rõ nguyên nhân ung thư vòm họng là gì. Tuy nhiên, những yếu tố sau có mối liên hệ mật thiết với việc ung thư vòm họng phát sinh ở một người.

Nguyên nhân trực tiếp

Các gen lành phát triển thành gen đột biến làm các tế bào nhân lên không kiểm soát được. Hậu quả là xâm lấn các cấu trúc xung quanh, chèn ép các cơ quan khác, phát triển lâu dần sẽ dẫn đến di căn. Ở bệnh ung thư vòm họng, quá trình này thường bắt đầu ở các tế bào vảy nằm trên bề mặt vòm họng.

Các yêu tố nguy cơ

Nhiễm virus papilloma (HPV 16 và HPV 18)

  • Human papillomavirus (HPV) là nhóm virus có liên quan đến nhiều bệnh ung thư khác nhau trong đó có ung thư vòm họng. Nguy cơ bị bệnh tăng lên khi tại vòm họng có sự hiện diện của virus HPV chủng 16 và 18.
  • Quan hệ tình dục bằng miệng làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus gây bệnh STI, đặc biệt là virus HPV

Nhiễm virus Epstein Barr

  • EBV đã được tìm thấy trong các tế bào ung thư vòm họng. Tùy vào chủng EBV của người nhiễm mà nguy cơ mắc bệnh cũng khác nhau. Không phải tất cả mọi người đều bị bệnh ung thư vòm họng khi bị nhiễm EBV.

Yếu tố di truyền và bệnh

  • Những người có tiền sử gia đình bị UTVH thì có nguy cơ cao cũng bị ung thư vòm họng hơn người bình thường. Vì vậy, những đối tượng này cần đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát ung thư vòm họng.
  • Hội chứng rối loạn huyết học làm tăng nguy cơ đột biến gen, hình thành tế bào ung thư.
  • Rối loạn tiêu hóa bẩm sinh có thể gây nên bệnh.

Lạm dụng thuốc lá

  • Các thành phần trong khói thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây UTVH. Người dùng sử dụng đủ lâu, các chất độc tích tụ đủ nhiều sẽ dẫn đến phát bệnh.

Môi trường

  • Những người làm việc trong môi trường phải thường xuyên tiếp xúc với bụi gỗ, sơn, hóa chất độc hại có nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao hơn người bình thường.

Chế độ dinh dưỡng

  • Thói quen ăn uống không lành mạnh cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư vòm họng. Chế độ ăn nhiều các thực phẩm chiên rán, chế biến sẵn, thực phẩm ướp muối, lên men thường xuyên không chỉ làm tăng nguy cơ bị ung thư vòm họng mà còn gây hại sức khỏe.

Giới tính và tuổi tác

  • Tỷ lệ mắc bệnh ung thư vòm họng ở nam giới cao gấp 4 lần so với nữ giới. Tỷ lệ này liên quan nhiều đến thói quen hút thuốc và uống nhiều rượu bia ở nam giới.
  • Ung thư vòm họng có thời gian ủ bệnh lâu năm. Vì vậy, đa số người mắc ung thư vòm họng đều ở tuổi trung niên hoặc tuổi già và hiếm gặp ở người trẻ tuổi.

Triệu chứng khi mắc bệnh

Giai đoạn đầu hay còn gọi là giai đoạn ủ bệnh, khối u bắt đầu hình thành một cách âm thầm, sau đó xuất hiện các triệu chứng giống các bệnh đường hô hấp như viêm họng, cảm cúm làm người bệnh chủ quan. Ở các giai đoạn sau, bạn có thể gặp phải:

  • Phổ biến nhất là khối u ở cổ do sưng hạch bạch huyết
  • Có máu trong nước bọt
  • Bị đau vòm họng hoặc đau họng
  • Khó thở hoặc khó nói
  • Chảy máu mũi
  • Nghẹt mũi hoặc ù tai
  • Mất thính lực
  • Thường xuyên nhiễm trùng tai
  • Nhức đầu
  • Đau hoặc tê ở vùng mặt

Bên cạnh đó, các biến chứng của ung thư vòm họng như:

  • Khó nuốt
  • Tổn thương cổ và mặt
  • Khó nói
  • Khó thở
  • Cứng cổ

Tùy theo thể trạng, cơ địa mỗi người mà các triệu chứng là khác nhau. Nếu có nghi ngờ về bất cứ triệu chứng nào ở trên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Đó là cách tốt nhất cho bạn.

Điều trị ung thư vòm họng

Phát hiện sớm và điều trị tích cực là hai yếu tố quan trọng nhất giúp điều trị ung thư hiệu quả và khỏi bệnh cho bệnh nhân. Trong đó, điều trị ở giai đoạn 1 hoặc 2 sẽ đạt hiệu quả điều trị cao nhất và tiết kiệm chi phí, bệnh nhân có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Chuẩn đoán bệnh

Thăm khám

  • Bác sĩ sẽ tiến hành quan sát từ đầu tới cổ để kiểm tra xem các hạch. Sau đó, người khám được đề nghị há miệng ra để thăm khám các cơ quan trong miệng như lưỡi, vòm họng.

Nội soi họng

  • Sử dụng các dụng cụ nội soi chuyên dụng để phát hiện các bất thường trong vòm họng. Khối u phát triển lớn thường gây ra tổn thương cho các tế bào khỏe mạnh, làm các tế bào này sưng lên. Nội soi cổ họng có thể giúp phát hiện vị trí và kích thước khối u.

Chụp X-Quang

  • Từ hình ảnh chụp X-quang có thể xác định các chi tiết liên quan đến khối u như kích thước, hình dạng và mức độ tác động tới các mô mềm. Ngoài ra, để giúp xác định chính xác hơn, các chỉ định chụp CT cắt lớp, siêu âm có thể được đưa ra.

Giai đoạn của bệnh

Giai đoạn 1

  • Lúc này khối u vẫn đang phát triển kích thước, gây ra một số triệu chứng không điển hình như đau họng, khó nuốt diễn ra không thường xuyên. Dấu hiệu rất mờ nhạt, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện. Vì thế ít bệnh nhân phát hiện và điều trị ngay giai đoạn khởi phát.

Giai đoạn 2

  • Khối u đã lớn nhưng vẫn chưa chèn ép lên hệ bạch huyết và di căn sang các bộ phận khác. Triệu chứng bệnh cũng rõ ràng hơn, phổ biến là bệnh nhân khó nuốt thức ăn, đau họng dữ dội, đờm có máu kéo dài không khỏi.

Đây cũng là thời điểm lý tưởng đế điều trị hiệu quả và hoàn toàn bệnh.

Giai đoạn 3

  • Khối u đã phát triển kích thước lớn, chèn vào hạch bạch huyết và phá vỡ chúng, khiến sức khỏe bệnh nhân ngày càng suy kiệt. Việc điều trị bệnh cũng vất vả và tốn kém hơn, song vẫn có cơ hội chữa khỏi hoàn toàn nếu bệnh nhân điều trị tích cực cùng tinh thần lạc quan.

Giai đoạn 4

  • Khi bệnh đã di căn sang các cơ quan khác trên cơ thể thì việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn, không mang lại hiệu quả tốt.

Nhìn chung điều trị bệnh giai đoạn 1 – 2 thì tỷ lệ sống trên 5 năm đạt tới trên 70%. Còn với các trường hợp muộn, tỷ lệ di căn sau điều trị rất cao, người bệnh được chữa khỏi sống thêm trên 5 năm chỉ đạt từ 10 – 40%. Việc tiên lượng bệnh còn phụ thuộc vào thể ung thư và các yếu tố sức khỏe khác.

Các phương pháp điều trị bệnh ung thư vòm họng

Phương pháp phẫu thật điều trị ung thư vòm họng

Phẫu thuật

Một vài trường hợp khi phát hiện ung thư vòm họng ở giai đoạn sớm sẽ được chỉ định phẫu thuật. Với kỹ thuật phẫu thuật nền sọ và phẫu thuật nội soi tiến bộ như hiện nay đã mở ra cơ hội điều trị bệnh cao hơn nhờ phẫu thuật cho những bệnh nhân mắc ung thư vòm họng nhưng kém đáp ứng với tia xạ như thể sừng hóa hay ung thư tái phát. Phương pháp phẫu thuật có thể loại bỏ u hạch di căn ở cổ trong giai đoạn còn khu trú.

Xạ trị

Là biện pháp điều trị, ở giai đoạn đầu, bệnh có thể được điều trị chỉ bằng xạ trị đơn thuần, với liều xạ 5 ngày/tuần, kéo dài từ 6 – 8 tuần liên tiếp. Bên cạnh những kỹ thuật xạ trị kinh điển (như xạ trị sử dụng nguồn tia Cobalt, xạ trị bằng máy gia tốc), nhiều trung tâm ung bướu đã triển khai các kỹ thuật xạ trị tiên tiến như: xạ trị mô phỏng ba chiều, xạ trị điều biến liều… Ở giai đoạn phát hiện muộn biện pháp phẫu thuật hầu như không thực hiện được và xạ trị là biện pháp hàng đầu.

Trước khi xạ trị vùng vòm họng thì các bác sĩ sẽ khám rất kỹ vùng răng miệng của bệnh nhân. Vì khi xạ trị sẽ gây ảnh hưởng tới khu vực này, những di chứng vùng răng và miệng. Di chứng để lại thường là viêm nướu răng, hoại tử nướu răng, xơ các khớp thái dương hàm, xơ cứng hoặc hoại tử… nhiều trường hợp nặng có thể hoại tử xương hàm trên, hoại tử xương hàm dưới do xạ trị gây ra.

Hóa trị

Khi UTVH đã di căn xa đến các bộ phận khác hoặc khi xạ trị thất bại thì bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp truyền hóa chất (hóa trị). Các dòng hóa chất được đưa trực tiếp vào cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này thường để lại nhiều tác dụng phụ như rụng tóc, buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi…

Ung thư vòm họng có đặc điểm là tương đối nhạy cảm với điều trị xạ và hóa chất chống ung thư. Vì vậy, Ở các giai đoạn sau, UTVH thường được điều trị phối hợp cả xạ trị và truyền hóa chất. Phẫu thuật hiện chỉ được áp dụng cho những trường hợp khối u và/hoặc hạch cổ sót hoặc tái phát sau điều trị phối hợp hóa chất và xạ trị.

Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm (khi tổn thương còn khu trú ở vòm họng, chưa di căn xa) và điều trị kịp thời, đúng phác đồ thì khả năng khỏi bệnh tương đối cao, tỷ lệ sống sau 5 năm có thể lên đến 70 – 90%.

Biện pháp phòng ngừa

Phòng ngừa ung thư là chìa khóa giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Hiện nay chưa có phương pháp phòng bệnh đặc hiệu, song các nhà khoa học đang nỗ lực phát triển vaccine phòng virus Epstein-barr – tác nhân hàng đầu gây bệnh.

Ăn nhiều trái cây và rau quả giúp ngăn ngừa bệnh

Chúng ta nên chủ động phòng ngừa bằng cách nâng cao thể trạng, sức khỏe hệ miễn dịch nói chung và hạn chế yếu tố nguy cơ bằng cách:

  • Điều trị sớm các bệnh lý viêm nhiễm tai – mũi – họng.
  • Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường vùng họng, cần sớm tới phòng khám chuyên khoa để kiểm tra.
  • Hạn chế uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích.
  • Luyện tập thể dục thể thao tăng cường sức khỏe.
  • Thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học: Ăn nhiều trái cây và rau quả, tránh cá và thịt ướp muối,…

Hiện nay, sàng lọc ung thư sớm được coi là biện pháp hoàn hảo trong việc phát hiện và điều trị kịp thời các loại ung thư. Giảm chi phí điều trị và nhất là giảm tỷ lệ tử vong ở người bệnh.

Các đối tượng được khuyến cáo nên tầm soát ung thư vòm họng là: người từ 40 tuổi trở lên; người có tiền sử gia định mắc bệnh UTVH; người nghiện bia rượu, hút thuốc lá; người xuất hiện triệu chứng nghi ngờ.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.