Ung thư tinh hoàn (UTTH) là loại ung thư ít gặp ở nam giới, chiếm khoảng 1% tổng số ung thư ở nam. Ung thư tinh hoàn có khả năng điều trị thành công cao, ngay cả khi ung thư đã di căn ra ra ngoài tinh hoàn. Tùy thuộc vào loại và giai đoạn ung thư tinh hoàn, người bệnh sẽ được điều trị bằng các phương pháp khác nhau.
Ung thư tinh hoàn là bệnh gì?
Tinh hoàn là một bộ phận trong hệ sinh dục nam, nằm dưới dương vật và nằm trong một túi chứa gọi là bìu. Ung thư tinh hoàn là hiện tượng các tế bào bình thường trong tinh hoàn biến đổi và phát triển mất kiểm soát dẫn đến tạo thành các khối u.
Phần lớn các trường hợp mắc bệnh bắt nguồn từ các tế bào sản xuất tinh trùng gọi là các nguyên bào (tế bào mầm). Có hai loại nguyên bào chính gây UTTH đó là các khối u tinh và không u tinh tế bào mầm. Các khối u tinh tế bào mầm có thể phát triển và lan rất chậm, đồng thời bị tác động bởi liệu pháp xạ trị, các khối không u tinh tế bào mầm lại có khả năng phát triển và lan rộng nhanh hơn.
UTTH có khả năng chữa khỏi cao nếu được phát hiện và can thiệp sớm. Tính chung cho các giai đoạn, có thể chữa khỏi cho 90% số người bệnh. Tỷ lệ sống 5 năm ở các bệnh nhân ung thư tinh hoàn là lớn hơn 95%.
Các giai đoạn của ung thư tinh hoàn:
- Giai đoạn I: Ung thư chỉ khu trú ở tinh hoàn
- Giai đoạn II: Bệnh đã lan rộng tới những hạch bạch huyết phụ cận
- Giai đoạn III: Bệnh đã lan xa khỏi tinh hoàn
Nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn
Nguyên nhân gây UTTH hiện nay vẫn chưa được xác định rõ. Một số nghiên cứu cho thấy bệnh bắt nguồn từ sự phát triển và phân chia bất thường của các tế bào trong tinh hoàn. Chúng phát triển nhanh không thể kiểm soát được, sau đó dần dần trở thành khối u trong tinh hoàn.
Hơn 90% UTTH bắt đầu từ các tế bào mầm (những tế bào sản xuất tinh trùng chưa trưởng thành) và nguyên nhân khiến chúng phát triển bất thường vẫn chưa được biết rõ.
Ngoài ra bệnh có thể xuất phát từ một số trường hợp như:
- Tình trạng tinh hoàn ẩn (tinh hoàn không di chuyển xuống bìu mà vẫn “kẹt” ở bụng như trong giai đoạn bào thai)
- Tinh hoàn phát triển bất thường: Các tình trạng như hội chứng Klinefelter (một dạng rối loạn di truyền ở nam giới) có thể khiến tinh hoàn phát triển bất thường và làm tăng nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn.
- Tiền sử gia đình: Nếu có các thành viên trong gia đình mắc bệnh, bạn cũng có nguy cơ cao mắc UTTH.
- Tuổi tác: Bệnh thường gặp ở thanh thiếu niên và nam giới trẻ tuổi, đặc biệt ở những người 15 – 35 tuổi.
Những triệu chứng của bệnh
Dấu hiệu sớm của UTTH nhìn chung khá mờ nhạt, vì thế rất khó phát hiện và điều trị ở giai đoạn hiệu quả nhất này. Các chuyên gia khuyên nam giới nên thường xuyên tự kiểm tra tinh hoàn bằng tay, so sánh kích thước và kiểm tra tình trạng đau.
Những triệu chứng bao gồm:
- Có cục hoặc cục đó càng ngày càng lớn ở một trong hai tinh hoàn
- Cảm giác nặng nề ở bìu
- Có cơn đau âm ỉ ở bụng hoặc ở háng
- Có chất dịch lỏng trong bìu
- Đau hoặc khó chịu ở tinh hoàn hoặc bìu
- Vú to hoặc đau vú
- Đau lưng
- Ung thư thường chỉ ảnh hưởng đến một tinh hoàn.
Nếu xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ trên, nên sớm tới cơ sở y tế để được thăm khám. Phát hiện UTTH càng sớm thì khả năng chữa khỏi bệnh càng cao.
Các biện pháp chuẩn đoán ung thư tinh hoàn
- Siêu âm bìu có thể phát hiện 75% các trường hợp khối u hoặc tràn dịch màng tinh hoàn
- Siêu âm ổ bụng phát hiện tinh hoàn lạc chỗ, các tổn thương bất thường khác trong ổ bụng
- Chụp X-quang phổi phát hiện di căn phổi
- Xét nghiệm tế bào học: Chọc hút khối u
- Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u
Để phòng ngừa UTTH, nam giới nhất là những người trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi, nên tự kiểm tra tinh hoàn bằng cách nắn nhẹ hai bên bìu ít nhất 1 lần/tháng. Đây là phương pháp theo dõi đơn giản và dễ áp dụng.
Điều trị bệnh ung thư tinh hoàn
Bệnh ung thư có thể xảy ra ở khắp nơi trên cơ thể, bao gồm cả cơ quan sinh dục. Tuy nhiên, ung thư tinh hoàn có tiên lượng sống khá tốt và có tỉ lệ chữa thành công cao nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Các phương pháp điều trị ung thư tinh hoàn:
Phương pháp phẫu thuật
Phương pháp này được áp dụng cho hầu hết các loại cũng như các giai đoạn của bệnh. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ một bên tinh hoàn bằng cách rạch một đường nhỏ ngay bên trên xương mu để lấy tinh hoàn ra ngoài, tiếp theo là cắt đi dây tinh hoàn (thừng tinh, nơi chứa các mạch dẫn máu và các chất dịch vào hai tinh hoàn) để hạn chế khả năng lây lan của tế bào ung thư đến những bộ phận khác của cơ thể.
Phẫu thuật nạo hạch bạch huyết
Đôi khi phương pháp phẫu thuật cắt bỏ một bên tinh hoàn không đủ hiệu quả để điều trị ung thư tinh hoàn vì các tế bào ung thư đã lan sang các hạch bạch huyết nằm ở phía sau bụng. Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ đề nghị bạn tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ các hạch bạch huyết mang mầm bệnh. Phẫu thuật nạo hạch bạch huyết sẽ được tiến hành cùng lúc hoặc sau khi bạn đã được phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn.
Trước khi bắt đầu phẫu thuật, các bác sĩ sẽ tiến hành gây mê, khiến bạn thiếp đi trong vòng 6 tiếng đồng hồ.
Ngoài ra, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp nội soi để lấy những hạch bạch huyết ra khỏi cơ thể. Ưu điểm của phương pháp này chính là giúp bạn phục hồi nhanh hơn so với những loại phẫu thuật khác.
Liệu pháp xạ trị
Các bác sĩ sẽ sử dụng tia X hoặc các loại tia có mức năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư, thường được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân mắc UTTH loại ác tính. Đôi khi, các hạch bạch huyết nằm phía sau bụng cũng sẽ được xạ trị để tiêu diệt các tế bào mang khối u, ngăn ngừa chúng lan ra các hạch bạch huyết còn lại cũng như các bộ phận khác trong cơ thể.
Hóa trị
Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Thuốc hóa trị đi khắp cơ thể nên được dùng trong trường hợp ung thư đã di căn đến nhiều khu vực. Tuy nhiên, phương pháp này cũng mang lại nhiều tác dụng phụ, ví dụ như buồn nôn, mệt mỏi, rụng tóc và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Phương pháp phòng ngừa bệnh
Cách tốt nhất để phòng ngừa và phát hiện sớm UTTH là tự kiểm tra. Hàng tháng nên tự kiểm tra tinh hoàn 1 lần, đơn giản nhất là sau mỗi lần tắm.
Tự kiểm tra tinh hoàn bằng 2 tay, ngón giữa ở dưới và ngón cái ở trên tinh hoàn. Nắn nhẹ nhàng 2 bên tinh hoàn, kiểm tra mào tinh. Vị trí hay gặp u tinh hoàn là phía hai bên.
Không hút thuốc lá, không uống rượu, ăn uống tập luyện khoa học
Nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. Người có các yếu tố nguy cơ nên tái khám thường xuyên hơn.
Theo Pararx
Leave a reply