Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính và ngày càng tăng do hút thuốc lá, làm việc trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với hóa chất.
Ung thư bàng quang (UTBQ) có thể dễ dàng chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm. Các triệu chứng của ung thư bàng quang bao gồm tiểu đau và tiểu ra máu. Nguyên nhân gây ung thư chưa được biết rõ. Việc điều trị bao gồm phẫu thuật, hóa trị liệu, và xạ trị.
Ung thư bàng quang là bệnh gì?
Ung thư bàng quang là một khối u ác tính khởi phát từ bàng quang, phổ biến nhất là từ các tế bào lót mặt trong của bàng quang. Kích thước của khối u ở mỗi người là không giống nhau và khối u có khả năng phát triển sâu vào trong lớp cơ bàng quang và di căn đến các bộ phận khác.
Bàng quang là một cơ quan rỗng nằm ở bụng dưới, là nơi chứa nước tiểu. Khi thận lọc chất cặn bã từ máu sẽ sản sinh ra nước tiểu và qua hai ống niệu quản, nước tiểu được dẫn vào bàng quang rồi xuyên qua niệu đạo để ra ngoài. Niệu đạo ở nữ giới là một ống ngắn mở ra đúng phía trước, nằm trên âm đạo. Ống niệu quản ở nam giới dài hơn, xuyên qua tuyến tiền liệt rồi qua niệu đạo dương vật.
Phần lớn UTBQ được chẩn đoán ở giai đoạn sớm khi ung thư còn có thể điều trị được. Tuy nhiên, ngay cả đối với giai đoạn đầu, ung thư bàng quang vẫn có khả năng tái phát rất cao. Vì thế, những người sống sót sau ung thư bàng quang nên được thử nghiệm theo dõi để phát hiện ung thư tái phát nhiều năm sau khi chấm dứt điều trị.
Các loại ung thư bàng quang
Phía trong thành bàng quang là lớp niêm mạc được cấu tạo từ các tế bào chuyển tiếp và tế bào vảy. Khoảng hơn 90% ung thư bàng quang xuất phát từ tế bào chuyển tiếp, gọi là ung thư biểu mô chuyển tiếp. Chỉ khoảng 8% ung thư bàng quang là ung thư biểu mô vảy.
Ung thư tế bào biểu mô chuyển tiếp
- Đây là loại UTBQ phổ biến nhất, xảy ra ở các tế bào lót mặt bên trong bàng quang. Khi bàng quang đầy, tế bào chuyển tiếp sẽ giãn rộng; ngược lại khi bàng quang trống tế bào chuyển tiếp sẽ co thắt lại. Các tế bào này cùng loại với các tế bào lót ở mặt trong niệu quản và niệu đạo, tất cả những nơi này đều có nguy cơ hình thành khối u.
Ung thư biểu mô tế bào vảy
- Trong bàng quang có các tế bào vảy giữ vai trò đáp ứng với nhiễm trùng và kích thích. Chúng có thể tiến triển ung thư theo thời gian. Bệnh lý này hiếm gặp hơn ung thư bàng quang tế bào biểu mô chuyển tiếp. Carcinom tế bào tuyến (Adenocarcinoma) bắt đầu từ những tế bào tạo ra chất nhầy, chất tiết ở trong bàng quang. Adenocarcinoma tương đối hiếm gặp.
Các giai đoạn của ung thư bàng quang
- Giai đoạn I: Ung thư hình thành trong lớp nội mạc của bàng quang, chưa xâm chiếm lớp cơ của thành bàng quang.
- Giai đoạn II: Ung thư đã xâm nhập vào thành bàng quang, nhưng vẫn còn khu trú ở bàng quang.
- Giai đoạn III: Ung thư lây lan xuyên qua thành bàng quang, xâm lấn mô xung quanh, cụ thể như tuyến tiền liệt ở nam hoặc tử cung hay âm đạo ở nữ.
- Giai đoạn IV: Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết, di căn đến các cơ quan khác như phổi, xương, gan.
Nguyên nhân gây ung thư
Trên thực tế, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho nguyên nhân gây UTBQ. Tuy nhiên, các chuyên gia về niệu học cho rằng, các yếu tố sau đây có thể khiến cho UTBQ phát triển gồm:
- Thuốc lá: Những người hút thuốc có nguy cơ bị UTBQ cao ít nhất là 3 lần so với người không hút thuốc.
- Tiếp xúc với hóa chất nơi làm việc: Một số hóa chất công nghiệp được dùng trong ngành dệt may, sơn, in ấn, cao su… như benzidine và beta-naphthylamine có liên quan đến UTBQ.
- Sử dụng thuốc điều trị liều cao: Việc sử dụng các thuốc tiểu đường như pioglitazone (Actos®), thuốc có chứa axit Aristolochic có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư biểu mô, bao gồm cả UTBQ.
- Hóa chất trong nước uống: Chất Asen trong nước uống có liên quan đến nguy cơ UTBQ.
- Không uống đủ nước: Nước có vai trò đào thải các chất độc hại trong cơ thể ra bên ngoài thông qua tiểu tiện. Vì thế, nếu không uống đủ nước, bạn sẽ có nguy cơ đối diện với UTBQ.
Những triệu chứng của ung thư bàng quang
Triệu chứng ung thư bàng quang thường rất khó nhận biết. Tuy nhiên, có những dấu hiệu có thể giúp bệnh nhân phát hiện ra bệnh sớm để kịp thời đến cơ sở y tế để thăm khám như sau:
- Có máu trong nước tiểu (tiểu ra máu) – nước tiểu có thể có màu vàng sậm, màu đỏ tươi hay màu nước ngọt coca cola, hoặc nước tiểu có thể bình thường, nhưng kiểm tra dưới kính hiển vi thấy có hồng cầu trong nước tiểu
- Tiểu lắt nhắt
- Đau khi đi tiểu
- Nhiễm trùng đường tiểu tái diễn
- Đau bụng
- Đau hông lưng
Điều trị ung thư bàng quang
Chuẩn đoán ung thư
Để chẩn đoán ung thư bàng quang, cần phải thực hiện các phương pháp sau:
- Xét nghiệm nước tiểu tìm tế bào ung thư.
- Soi bàng quang: Dùng ống nội soi đưa vào niệu đạo để soi.
- Sinh thiết: sinh thiết được thực hiện trong quá trình soi bàng quang để lấy một mẫu mô nhỏ đem đi soi.
- Chụp tĩnh mạch có cản quang: Bệnh nhân được tiêm cản quang vào tĩnh mạch, sau đó được thận thải ra và đến bàng quang. Lúc này chụp Xquang sẽ thấy được những hình ảnh bất thường của bàng quang.
- Có thể chụp cắt lớp vi tính để quan sát đường tiết niệu và mô xung quanh nó.
Phương pháp điều trị
Ung thư bàng quang có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm. Việc điều trị bao gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
Phẫu thuật
- Đây là một phương pháp điều trị UTBQ phổ biến. Loại phẫu thuật phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn và cấp độ của khối u: cắt bỏ u bàng quang qua niệu đạo; cắt bỏ bàng quang bán phần ; cắt bỏ bàng quang triệt để; cắt bỏ toàn bộ bàng quang, các hạch lân cận, một phần niệu đạo và các cơ quan lân cận có thể chứa các tế bào ung thư.
Ở nam giới, các cơ quan lân cận được cắt bỏ là tuyến tiền liệt, túi tinh và một phần ống dẫn tinh. Ở phụ nữ, tử cung, buồng trứng, vòi trứng và một phần âm đạo được cắt bỏ.
Tia xạ
- Một số bệnh nhân có thể được tia xạ trước khi phẫu thuật để làm giảm kích thước khối u và ngược lại bệnh nhân có thể được chiếu xạ sau khi phẫu thuật để tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại. Với bệnh nhân ung thư bàng quang không thể thực hiện phẫu thuật thì sẽ tia xạ theo hai cách để: Chiếu xạ ngoài và chiếu xạ trong.
Hóa trị liệu
- Hóa trị liệu sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Bác sĩ có thể sử dụng một hoặc kết hợp nhiều loại thuốc.
Ngoài ra, UTBQ còn được điều trị bằng một số phương pháp khác như: điều trị sinh học (điều trị bằng miễn dịch): phương pháp này áp dụng sau phẫu thuật lấy u qua đường niệu đạo với u ở bề mặt bàng quang, sử dụng hệ thống miễn dịch sẵn có để chống lại tế bào ung thư. Đây là biện pháp ngăn ngừa tình trạng tái phát UTBQ.
Các nhà nghiên cứu đang tìm cách để ngăn ngừa UTBQ, bao gồm một số phương pháp bổ sung và thay thế. Nếu lo lắng về nguy cơ UTBQ hoặc UTBQ tái phát, bệnh nhân có thể quan tâm đến các trị liệu bổ sung và thay thế.
- Trái cây và rau củ là cách an toàn nhất để cung cấp đầy đủ các vitamin cho nhu cầu hàng ngày. Một số nghiên cứu cho thấy dùng vitamin E với liều lượng cao hơn dưới dạng thuốc viên có thể giúp giảm nguy cơ UTBQ. Nhưng những nghiên cứu khác lại không tìm thấy mối liên quan này. Cần nghiên cứu thêm để tính toán được liều lượng vitamin an toàn và hiệu quả nhất. Trước mắt, nên tập trung ăn nhiều rau củ quả chứa nhiều vitamin.
Chọn một chế độ ăn uống phong phú với một loạt các loại rau củ quả nhiều màu sắc. Các chất chống oxy hóa trong rau củ quả có thể giúp giảm nguy cơ ung thư.
Leave a reply