Ung thư tuyến tiền liệt (UTTTL) là căn bệnh ung thư khá nguy hiểm ở nam giới, ở mức nặng có thể di căn sang các vùng khác đặc biệt là vào xương và các hạch bạch huyết, gây đau đớn và đi tiểu gặp khó khăn, khiến nam giới gặp vấn đề trong quan hệ tình dục, rối loạn chức năng cương dương.

Tuyến tiền liệt là cơ quan sinh dục chỉ có ở đàn ông. Kích thước của cơ quan này thay đổi theo độ tuổi, phát triển từ khi dậy thì và ổn định ở tuổi 30, sau đó tiếp tục lớn hơn khi nam giới về già.

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh gì?

Ung thư tiền liệt tuyến hay còn gọi là ung thư tuyến tiền liệt. Đây là căn bệnh chỉ gặp ở nam giới, tuyến tiền liệt nằm dưới bọng đái, phía trước ruột già. Nó bao quanh niệu đạo, tức ống dẫn nước tiểu nằm bên trong dương vật qua đó nước tiểu và tinh dịch được thoát ra ngoài.

Bệnh ung thư tiền liệt tuyến bệnh học là dạng ung thư khá nguy hiểm. Tuy là một bệnh có sự phát triển chậm, đa số người mắc ung thư tiền liệt tuyến ở mức nhẹ có thể sống nhiều năm nếu được phát hiện kịp thời. Xong nếu bệnh ở mức nặng sẽ lan ra rất nhanh chóng và có thể gây tử vong. Ung thư tiền liệt tuyến có thể di căn sang các vùng khác đặc biệt là vào xương và các hạch bạch huyết, gây đau đớn và đi tiểu gặp khó khăn, khiến nam giới gặp vấn đề trong quan hệ tình dục, rối loạn chức năng cương dương.

Nguyên nhân gây bệnh ung thư tuyến tiền liệt

Hiện nay vẫn không rõ nguyên nhân gây bệnh UTTTL là gì. Tuy nhiên, các bác sĩ biết rằng, bệnh bắt đầu khi một số tế bào trong tuyến tiền liệt phát triển và tăng trưởng bất thường.

Ung thư tiền liệt tuyến phổ biến ở nam giới trên 50 tuổi, đặc biệt ở người Mỹ gốc Phi và ở nam giới ăn thực phẩm có nhiều chất béo, có bố hoặc anh trai mắc bệnh này.

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh lý này, chẳng hạn như:

  • Tuổi tác
  • Gia đình có tiền sử mắc UTTTL
  • Sắc tộc hoặc chủng tộc (ví dụ: nam giới người Mỹ gốc Phi có nguy cơ cao bị UTTTL)
  • Béo phì
  • Thay đổi trong cấu trúc di truyền
  • Tiếp xúc nhiều với hóa chất, chất phóng xạ
  • Hoạt động tình dục nhiều, tuy nhiên vấn đề này còn đang gây nhiều tranh cãi.
  • Phì đại tiền liệt tuyến
  • Những người thắt ống dẫn tinh sẽ tăng nguy cơ hơn người bình thường sau 20 năm.
Béo phì là nguyên nhân gây bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Các triệu chứng thường gặp bao gồm

Thông thường ở giai đoạn đầu UTTTL hầu như không có triệu chứng rõ ràng. Ở các giai đoạn sau một vài dấu hiệu của ung thư tiền liệt tuyến có thể bao gồm:

  • Tiểu khó, tiểu rắt, bí tiểu
  • Trong nước tiểu có máu
  • Tiểu đêm

Hoặc những triệu chứng khác như:

  • Cân nặng giảm
  • Đau lưng, hông, đau vùng khung chậu
  • Khó khăn trong việc duy trì cương cứng
  • Táo bón mãn tính hoặc các vấn đề khác về đường ruột

Ở giai đoạn muộn và có di căn bệnh nhân sẽ có các triệu chứng tại các cơ quan khác của cơ thể như:

  • Đau xương, gãy xương bệnh lý… trong di căn xương
  • Yếu liệt chi dưới, liệt nửa người… do u di căn đốt sống làm chèn ép tủy sống gây nên các hội chứng thần kinh
  • Những di căn ở não, phổi, dạ dày, gan, tuyến thượng thận hay xuất huyết tiêu hóa thường gặp trong giai đoạn muộn hơn
  • Ngoài ra, hội chứng cận ung thư, hội chứng thiếu máu, đông vón nội mạc rải rác cũng cần lưu ý trong giai đoạn muộn của bệnh.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Điều trị ung thư tiền liệt tuyến

Phương pháp chuẩn đoán bệnh

Trước tiên, bác sĩ sẽ thăm khám trực tràng để phát hiện những dấu hiệu bất thường của tuyến tiền liệt. Sau đó, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu hơn như:

Xét nghiệm máu PSA

  • Xét nghiệm PSA (prostate specific antigen) dùng để định lượng nồng độ kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt trong máu. Bình thường, giá trị PSA dưới 4ng/mL và tỷ lệ PSA tự do so với PSA toàn thể trên 20%. Nếu PSA tăng cao trên 4ng/mL và tỷ lệ PSA tự do/tổng thể dưới 15%, nguy cơ mắc bệnh là rất cao.
  • Hiện nay, xét nghiệm PSA được coi là hiệu quả nhất trong chẩn đoán bệnh. Việc áp dụng thực tiễn xét nghiệm PSA đã làm tăng lên đáng kể hiệu quả trong sàng lọc, chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh.

Sinh thiết

  • Khi khám tuyến tiền liệt có dấu hiệu bất thường, bệnh nhân sẽ được sinh thiết tuyến tiền liệt để tìm tế bào ung thư và đánh giá mức độ ác tính của khối u. Sinh thiết có thể thực hiện với gây tê tại chỗ.

Chẩn đoán hình ảnh

  • Khi đã có chẩn đoán về khối u ác tính ở tuyến tiền liệt, bệnh nhân cần làm thêm xạ hình xương và chụp cộng hưởng từ MRI vùng chậu để đánh giá giai đoạn của ung thư. Chẩn đoán này để xác định tế bào ung thư đã di căn hạch bạch huyết hoặc đến xương hay chưa.

Biện pháp điều trị bệnh

Phương pháp điều trị hiện nay của bệnh UTTTL là cá nhân hóa việc điều trị, nghĩa là phương pháp điều trị sẽ được thay đổi để phù hợp với từng giai đoạn của bệnh nhằm tối đa hóa việc điều trị.

Có một số phương pháp điều trị bệnh như sau:

  • Phẫu thuật: Bệnh nhân sẽ được cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt, hai túi tinh cùng với nạo hạch vùng chậu hai bên. Phương pháp này có thể áp dụng khi khối u còn nằm khu trú ở trong tuyến tiền liệt (ứng với giai đoạn I hoặc II của bệnh). Nhiều bệnh viện lớn hiện nay đã ứng dụng phẫu thuật nội soi bằng robot điều trị ung thư tiền liệt tuyến, mang lại hiệu quả vượt trội.
  • Điều trị nội tiết: Vì UTTTL nhạy với nội tiết tố nam nên việc cắt hai tinh hoàn của bệnh nhân hoặc dùng thuốc ức chế làm giảm nội tiết tố nam sẽ cắt nguồn cung cấp tiết tố nam giúp ngăn chặn khối u phát triển.
  • Xạ trị: Là chiếu tia phóng xạ để diệt các tế bào ung thư: chiếu xạ từ ngoài gọi là xạ trị ngoài còn cấy các hạt phóng xạ vào trong long tuyến gọi là xạ trị trong.
  • Hóa trị: Không phải là phương pháp điều trị tận gốc với ung thư tiền liệt tuyến mà được dùng trong giai đoạn kháng cắt tinh hoàn, nghĩa là điều trị nội tiết không còn đáp ứng nữa.

Biện pháp phòng ngừa

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Chọn một chế độ ăn uống lành mạnh đầy đủ trái cây và rau củ. Ngừng tiêu thụ thực phẩm có nhiều chất béo. Thay vào đó, bạn chọn ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Chọn thực phẩm bổ sung lành mạnh. Chọn các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất để bạn có thể duy trì lượng vitamin trong cơ thể. Thực phẩm chức năng không thể giúp điều trị ung thư tuyến tiền liệt mặc dù chúng chứa nhiều vitamin và khoáng chất.
  • Tập thể dục vào các ngày trong tuần. Tập thể dục giúp cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn, giúp bạn duy trì cân nặng và cải thiện tâm trạng.
  • Duy trì cân nặng phù hợp.
  • Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh này.

Khám sàng lọc ung thư là phương pháp kiểm tra nhằm phát hiện bệnh trước khi bệnh nhân có những biểu hiện bệnh lý. Để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn sớm chỉ có thể làm xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA). Ngoài ra, thăm khám trực tràng (digital rectal exam) cũng là cách khám xác định tiền liệt tuyến có lớn bất thường hay không một cách tương đối chính xác.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.