Ung thư xương là bệnh hiếm gặp trong các loại ung thư. Bệnh ở cấp độ nặng thường biểu hiện các dấu hiệu và triệu chứng rõ rệt, gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, thậm chí đe dọa tới tính mạng người bệnh. Bệnh hay gặp ở thanh thiếu niên từ 15-25 tuổi, chiều cao phát triển nhanh hơn trẻ cùng lứa.

Ung thư xương là gì?

Ung thư xương là loại ung thư liên kết từ 3 tế bào, bao gồm tế bào tạo sụn, tế bào tạo xương và tế bào liên kết của mô xương. Bệnh có độ ác tính cao, di căn sớm. Ung thư xương có thể nguyên phát hoặc do di căn từ nơi khác đến (chủ yếu từ vú, phổi..)

Bệnh ung thư hiếm gặp này được hình thành do xuất hiện một khối u ác tính ở trong xương, những khối u này thường phát triển rất mạnh và cạnh tranh với những mô xương lành, có thể đe dọa tới tính mạng của người bệnh.

Trong hầu hết các trường hợp phát hiện ung thư đều là ung thư thứ phát, vì bệnh thường biểu hiện rõ trong giai đoạn cuối; chỉ một vài trường hợp là ung thư nguyên phát.

Ung thư xương thường xuất hiện chủ yếu ở các vị trí như xương chày, xương đùi, đầu dưới xương quay và đầu trên xương cánh tay.

Những loại ung thư xương

Ung thư xương thường có 3 loại chính, bao gồm:

  • Sarcoma xương: thường xuất hiện ở mô dạng xương- một mô có cấu trúc gần giống với xương, tuy nhiên nó có ít lượng khoáng chất hơn. Vị trí xuất hiện ung thư thường ở đầu gối và cánh tay.
  • Sarcoma sụn: ung thư ở mô sụn, xuất hiện hầu hết ở các vị trí như xương chậu, xương đùi và vai.
  • Ung thư có tính chất gia đình Ewing Sarcoma (ESFTs): thường xuất hiện ở xương hoặc mô mềm (cơ, mô sợi, mô mỡ, mạch máu hoặc các mô nâng đỡ khác). Vị trí xuất hiện thường ở dọc xương sống, xương chậu, ở cánh tay hoặc cẳng chân.

Nguyên nhân gây ung thư xương

Nguyên nhân ung thư trong xương chưa được xác định chính xác, nhưng có một số yếu tố nhất định có thể góp phần gây ra hoặc làm tăng khả năng hình thành các khối u phát triển bất thường trong xương của một người. Sau đây là các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra:

  • Yếu tố di truyền: có tiền sử gia đình bị ung thư, đặc biệt là ung thư liên quan đến xương hoặc sụn
  • Đã từng được điều trị hoặc xạ trị trong quá khứ
  • Bệnh Paget: là một tình trạng khiến xương bị gãy và sau đó phát triển trở lại bất thường
  • Bức xạ ion hóa: là tác nhân vật lý từ môi trường bên ngoài gây ung thư.
  • Chấn thương: tác động va đập từ ngoài xương, chấn thương có thể xảy ra doi hoạt động thể thao; do tai nạn giao thông. Trên thực tế lâm sàng có một số ung thư xương phất triển tại vừng bị va đập hoặc gãy xương, nhất là vừng đầu trên xương chày. Những trường hợp này rất khó giải thích chấn thương xảy ra ngẫu nhiên hay là nguyên nhân khởi động các tế bào xương quá sản.

Triệu chứng của bệnh ung thư xương

Biểu hiện ung thư xương phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh.

Ung thư xương giai đoạn đầu

Triệu chứng mơ hồ, nếu không chú ý sẽ dễ bị bỏ qua

  • Đau xương, triệu chứng thường xuất hiện đầu tiên gặp hầu hết các bệnh nhân. Đau nhiều về đêm hoặc khi vận động mạnh
  • Bệnh nhân có thể tự sờ thấy khối u to dần tại vùng đau.
  • Da vùng tổn thương có thể ấm hơn các vùng khác, xuất hiện các mạch máu màu xanh tím nổi trên bề mặt da

Dấu hiệu ung thư xương giai đoạn tiến triển

  • Bệnh nhân mệt mỏi, gầy sút cân không rõ nguyên nhân, có thể sốt nhẹ
  • Đau xương tăng dần, cảm giác xương yếu đi rõ rệt. Đau liên tục, dùng thuốc giảm đau không đỡ.
  • Vị trí xương bị bệnh có thể sưng to lên.
  • Có thể gãy xương không do chấn thương

Vị trí hay gặp ung thư xương chủ yếu gặp ở xương dài, một số ở xương dẹt như xương chậu, xương bả vai. Gặp ở “gần gối, xa khuỷu” (đầu trên xương chày, đầu dưới xương đùi, đầu trên xương cánh tay).

Điều trị ung thư xương

Chuẩn đoán bệnh

Khi bệnh nhân gặp các triệu chứng của bệnh ung thư xương và tiến hành thăm khám, việc chẩn đoán của bác sĩ được dựa trên việc khám lâm sàng và xét nghiệm.

Một số xét nghiệm chẩn đoán bệnh ung thư xương:

  • Sinh thiết, phân tích một mẫu mô nhỏ để chẩn đoán ung thư
  • Quét xương, kiểm tra tình trạng của xương
  • Xét nghiệm máu
  • Chẩn đoán hình ảnh bao gồm chụp X-quang, chụp MRI và chụp CT để có được cái nhìn chuyên sâu về cấu trúc của xương.

Phương pháp điều trị

Điều trị ung thư xương là đa mô thức kết hợp nhiều chuyên khoa: Chấn thương chỉnh hình, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh, điều trị hóa chất, xạ trị. Hiện nay điều trị ung thư xương đạt kết quả khả quan, tỉ lệ sống thêm 5 năm đạt 70%.

Có những phương pháp điều trị ung thư xương chính: Phẫu thuật, hóa chất và xạ trị.

Phẫu thuật

Phẫu thuật loại bỏ khối u là phương pháp điều trị triệt căn.

Nguyên tắc: lấy hết tổn thương ung thư và lấy rộng tổ chức cân cơ bị xâm lấn. Đảm bảo diện cắt không còn tế bào ác tính. Hậu quả để lại bệnh nhân có thể khuyết 1 đoạn xương hay toàn bộ 1 xương.

Hiện nay phẫu thuật bảo tồn dần thay thế phẫu thuật cắt cụt chi thể. Tạo hình lại xương, khớp sau phẫu thuật cắt u bao gồm các loại phẫu thuật:

  • Phẫu thuật bảo tồn chi sử dụng mảnh ghép xương đồng loại ( tức là xương người chết hiến, tặng)
  • Phẫu thuật bảo tồn chi sử dụng vật liệu nhân tạo như: Titan, hợp kim, vật liệu y sinh…
  • Phẫu thuật bảo tồn chi thể sử dụng mảnh ghép xương tự thân – xử lý dung dịch Nitơ lỏng.

Hóa chất

Là phương pháp sử dụng thuốc đề tiêu diệt các tế bào ung thư. Có 2 tác dụng chính đó là:

  • Tác dụng toàn thân: Tác dụng tiêu diệt các tế bào ung thư không chỉ tại khối u mà còn cả các tế bào di căn. Giúp cải thiện thời gian sống thêm.
  • Tác dụng tại chỗ: Có thể điều trị trước phẫu thuật làm khối u ngừng phát triển và nhỏ lại. Có thể điều trị sau phẫu thuật làm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại cũng như ngăn chặn bệnh tái phát.

Xạ trị

Sử dụng tia xạ làm tế bào ung thư bị tổn thương và ngừng phát triển. Tuy nhiên hầu hết ung thư xương không đáp ứng với xạ trị trừ sarcoma Ewing tương đối nhạy cảm. Có thể xạ trị triệu chứng chống đau, chống gãy xương.

Tiên lượng cho bệnh ung thư xương phụ thuộc vào loại ung thư xương, mức độ phát triển của xương, vì thế với mỗi bệnh nhân khác nhau lai có tiên lượng khác nhau.

Theo thống kê, tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư xương có thể đạt tới 80% người bệnh sống trên 5 năm nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, khi ung thư vẫn còn ở nơi khu trú và chưa lây lan đến những mô xung quanh.

Biện pháp phòng ngừa

Ung thư xương là một căn bệnh nguy hiểm khi mà nó có thể dễ dàng lấy đi một bộ phận trên cơ thể bạn cho dù có thể điều trị kịp thời và chữa khỏi bệnh. Chính vì thế, việc phòng ngừa bệnh một cách chủ động là giải pháp tối ưu để bảo vệ cơ thể.

Việc phòng ngừa tái phát và mắc mới ung thư xương có những điểm chung như sau:

  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Khẩu phần bổ sung canxi, magie và stronti; giảm lượng chất béo, tăng cường trái cây, rau xanh, ăn nhiều cá..
  • Duy trì lối sống khỏe mạnh: tránh xa khói thuốc, thường xuyên giải tỏa căng thẳng..
  • Hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm và tia UV trong ánh nắng mặt trời.
  • Tập thể dục thể thao thường xuyên làm tăng khả năng miễn dịch, giúp xương luôn chắc khỏe.
  • Tránh tiếp xúc với hóa trị và xạ trị.
  • Cảnh giác với nguy cơ mắc bệnh như dấu hiệu, tiền sử bệnh gia đình..

Theo Pararx