Ung thư tuyến tụy (UTTT) là một loại ung thư hình thành tại một số tế bào của tuyến tụy. Hầu hết các bệnh nhân bị ung thư tuyến tụy (khoảng 95%) bắt đầu trong tuyến tụy ngoại tiết. Các khối u cũng có thể hình thành trong tuyến tụy nội tiết, nhưng đây là những trường hợp không phổ biến và thường lành tính. Dấu hiệu bệnh có thể không rõ rệt và khó nhận biết ở giai đoạn đầu.
Ung thư tuyến tụy là bệnh gì?
Tuyến tụy là một cơ quan hình lá tạo ra các enzyme tiêu hóa và hormone như insulin. Tuyến tụy nằm ở vị trí bụng cao, gần các động mạch và tĩnh mạch chính.
Ung thư tuyến tụy là một loại ung thư xảy ra trong các mô của tuyến tụy, cơ quan nội tiết trọng yếu nằm phía sau dạ dày. Một số khối u lành tính lẫn tế bào ung thư ác tính có thể hình thành và tăng trưởng trong tuyến tụy. Loại UTTT phổ biến nhất là do tế bào ác tính bắt đầu từ các ống dẫn mang enzyme tiêu hóa ra khỏi tuyến tụy.
UTTT hiếm khi được phát hiện ở giai đoạn đầu – lúc dễ điều trị nhất, vì bệnh thường không gây ra các triệu chứng cho đến khi lây lan sang các cơ quan khác.
Không rõ nguyên nhân gây ung thư tuyến tụy, nhưng các bác sĩ đã xác định được một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc loại ung thư này, bao gồm hút thuốc và một số đột biến gen di truyền nhất định.
Các lựa chọn điều trị ung thư tuyến tụy sẽ dựa trên mức độ bệnh, có thể bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc kết hợp xạ trị và hóa trị điều trị ung thư.
Nguyên nhân gây bệnh
Cho đến nay, nguyên nhân gây UTTT vẫn chưa được biết rõ. Đây là loại ung thư xảy ra khi các tế bào bất thường bắt đầu phát triển trong tuyến tụy và hình thành các khối u.
Trong trường hợp của ung thư, tế bào trong tuyến tụy bị đột biến ADN, khiến chúng phát triển không kiểm soát và tiếp tục sống tiếp trong khi các tế bào bình thường đã chết đi. Các tế bào bất thường này tập hợp lại với nhau và tạo thành khối u.
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tụy như:
- Hút thuốc lá: 30% các trường hợp ung thư có liên quan đến hút thuốc lá
- Bị bệnh đái tháo đường
- Viêm tụy mạn tính
- Gia đình có tiền sử mắc các hội chứng di truyền có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư, bao gồm đột biến gen BRCA, hội chứng Lynch…
- Tiền sử gia đình có người mắc ung thư tuyến tụy
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, virus viêm gan B hoặc virus gây suy giảm miễn dịch ở người
- Béo phì, ít tập thể dục
- Ăn ít trái cây và rau quả, nhiều chất béo
- Uống rượu nhiều
- Tiếp xúc thường xuyên với thuốc trừ sâu và hóa chất

Các triệu chứng của bệnh
Ở giai đoạn đầu, ung thư tuyến tụy thường không có triệu chứng. Khi ung thư tiến triển, các triệu chứng có thể thay đổi tùy thuộc vào việc khối u nằm ở đầu, thân hay đuôi tụy.
Các khối u ở đầu tụy có xu hướng gây ra nhiều triệu chứng hơn so với những vị trí ở than hoặc đuôi tụy – điều này là do các khối u ở đầu tụy có thể chèn ép vào ống mật hoặc ống tụy và gây ra các tình trạng như vàng da.
Khi các dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện, chúng có thể bao gồm:
- Đau bụng trên, có thể lan đến vùng lưng
- Da và lòng trắng mắt chuyển màu vàng (bệnh vàng da)
- Ăn mất ngon, chán ăn và sụt cân
- Phân màu sáng
- Nước tiểu sẫm màu
- Da ngứa
- Phiền muộn, mệt mỏi
- Xuất hiện các khối máu đông
- Được chẩn đoán mắc đái tháo đường hoặc bệnh đái tháo đường hiện có trở nên khó kiểm soát hơn.
Bạn nên gặp bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào đề cập ở trên. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là những triệu chứng này cũng có thể được thấy ở những người không bị UTTT mà có thể được gây ra bởi các bệnh lý khác.
Điều trị ung thư tuyến tụy
Phương pháp chuẩn đoán
Chẩn đoán ung thư tuyến tụy dựa trên kết quả kiểm tra và xét nghiệm sau đây:
- Xét nghiệm hình ảnh: Các xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp CT, MRI hoặc đôi khi là chụp cắt lớp phát xạ positron PET có thể giúp bác sĩ quan sát hình ảnh chi tiết của tuyến tụy
- Siêu âm nội soi: Bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng, dẻo có gắn kèm với máy ảnh xuống dạ dày để quan sát hình ảnh của tụy
- Sinh thiết hoặc lấy mẫu mô của tụy: Sinh thiết là phương pháp loại bỏ một mẫu mô nhỏ ở tụy để kiểm tra dưới kính hiển vi.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu sẽ giúp kiểm tra yếu tố CA 19-9, một trong những chất chỉ điểm khối u tuyến tụy.
Giai đoạn của bệnh
Sau khi chẩn đoán xong, bác sĩ sẽ xác định giai đoạn của bệnh dựa trên kết quả kiểm tra:
- Ung thư tuyến tụy giai đoạn đầu (giai đoạn 1): Khối u chỉ tồn tại trong tuyến tụy
- Giai đoạn 2: Khối u đã lan đến gần mô bụng hoặc hạch bạch huyết
- Giai đoạn 3: Ung thư đã lan đến các mạch máu chính và các hạch bạch huyết
- Giai đoạn 4: Khối u đã lan rộng đến các cơ quan khác như gan.
Phương pháp điều trị
Tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh ung thư mà sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau. Điều trị bệnh nhằm tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn sự lây lan của bệnh. Các phương pháp dùng để điều trị bệnh này, bao gồm:
Phẫu thuật
- Nếu khối u vẫn nằm ở trong tuyến tụy, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật (tùy thuộc vào vị trí ung thư mà bác sĩ quyết định có nên tiến hành phẫu thuật hay không). Nếu khối u được giới hạn ở đầu và cổ của tuyến tụy thì bác sĩ có thể tiến hành thủ thuật Whipple. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ loại bỏ phần đầu tiên hoặc “đầu” của tuyến tụy và khoảng 20% toàn bộ tuyến tụy hoặc phần thứ hai. Nửa dưới của ống mật và phần đầu của ruột cũng bị loại bỏ.
Xạ trị
- Bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp điều trị khác nếu ung thư đã lan ra bên ngoài tuyến tụy, chẳng hạn như xạ trị sử dụng tia X và các tia năng lượng cao khác để tiêu diệt tế bào ung thư.
Hóa trị
- Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kết hợp các phương pháp điều trị khác cùng với hóa trị. Hóa trị sẽ sử dụng các loại thuốc ung thư để giúp ngăn chặn sự phát triển của các tế bào.
Chăm sóc giảm nhẹ là những phương pháp pháp chăm sóc y tế chuyên biệt tập trung vào việc giảm đau và giảm nhẹ các triệu chứng khác của bệnh, đặc biệt đối với ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối.
Tuyến tụy nằm trong hệ thống tiêu hóa. Nên chế độ ăn uống cho người mắc ung thư tụy vô cùng quan trọng. Thực phẩm cần tránh cho người mắc u tụy là thịt đỏ và đồ ăn giàu chất béo. Hàm lượng đạm cao làm cản trở quá trình tiêu hóa và trầm trọng hơn tình trạng bệnh.
Rượu, bia và các đồ uống có cồn là “hung thần” của mọi bệnh ung thư, trong đó có u tụy. Ngoài ra, người bị ung thư tụy cần tránh thực phẩm có lượng đường cao, mục đích là giảm tải áp lực cho hệ tiêu hóa. Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày và ăn nhiều trái cây và rau quả
Để phát hiện sớm, góp phần hỗ trợ điều trị và tăng tỷ lệ thành công, y học luôn khuyến khích mọi người nên tầm soát ung thư định kỳ 1-2 lần/năm. Việc này giúp ích nhiều cho quá trình ngăn chặn nguy cơ mắc “án tử”, cũng như sàng lọc bệnh sớm để việc chữa trị không ở giai đoạn quá muộn.
Leave a reply