Dinh dưỡng đóng vai trò cực quan trọng trong việc điều trị bệnh. Một chế độ dinh dưỡng khoa học, hoàn chỉnh sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân ung thư gan. Vậy chế độ ăn uống của người mắc bệnh ung thư gan là như thế nào? Ung thư gan nên ăn gì?
Chế độ ăn uống của người bệnh ung thư
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 95.000 bệnh nhân chết vì ung thư, trong đó có đến 80% chết vì bị sụt cân, gần 40% chết vì suy kiệt sức khỏe. Dẫn tới tình trạng này là do đa số người bệnh khi bị chẩn đoán ung thư chỉ tập trung vào điều trị mà chưa chú trọng đến chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
Có rất ít bệnh nhân quan tâm đến chế độ ăn uống hàng ngày làm sao cho khoa học, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Thậm chí có nhiều người còn sợ ăn nhiều chất sẽ khiến cho khối u phát triển nhanh nên đã kiêng khem quá mức, dẫn đến tình trạng sụt cân, suy dinh dưỡng, không những không giúp cho quá trình điều trị mà còn làm cho tình trạng sức khỏe ngày càng trầm trọng.
Mắc bệnh ung thư gan nên ăn gì?
Trái cây và rau quả tươi
Chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, trái cây và rau quả tươi giàu chất chống oxy hóa, giúp chống lại bệnh tim mạch, đột quỵ, ngăn ngừa ung thư. Nguồn chất xơ dồi dào trong rau xanh và hoa quả giúp giảm táo bón.
- Một số loại trái cây tốt cho bệnh nhân ung thư gan: Dâu tây, cam, ớt chuông đỏ.
- Một số loại rau nên ăn: Bí, cà rốt và bắp cải, bông cải xanh.
Ngũ cốc nguyên hạt
Các loại ngũ cốc như bánh mì, gạo, mì là những carbohydrate quan trọng cung cấp cho cơ thể, giúp sản sinh glucose – nguồn năng lượng quan trọng cho các tế bào.
- Một số ngũ cốc nên ăn: Gạo lức, yến mạch, ngô, vừng…
Thực phẩm ít chất béo
Một số thực phẩm ít chất béo tốt cho bệnh nhân ung thư gan: Các loại hạt, dầu ô liu và dầu hạt cải dầu thực vật. Thực phẩm ít chất béo giúp tiêu hóa dễ dàng, giúp gan và thận không bị quá tải khi làm việc.
Thịt trắng
Các nghiên cứu khác nhau trên thế giới đều khẳng định ăn các loại thịt trắng (tức là các loại thịt gia cầm gà, vịt, ngan) thay cho thịt đỏ sẽ giúp cơ thể chống chọi với bệnh ung thư gan tốt hơn. Nên chế biến các món ăn dưới dạng hấp, luộc để dễ tiêu hóa, hạn chế lượng dầu mỡ.
Sữa và sữa chua
Uống sữa và ăn sữa chua đã làm giảm khả năng phát triển bệnh ung thư gan, đồng thời cải thiện cơ hội phục hồi cho cơ thể.
Trà
Trà xanh và đen là một nguồn polyphenols – một nhóm các chất chống oxy hóa có thể giúp ngăn chặn sự phân chia và di căn của các tế bào ung thư. Theo Quỹ chữa bệnh ung thư, lá trà xanh khô cũng có lợi bởi 40% trọng lượng chứa polyphenol. Những chất chống oxy hóa có thể giúp tăng cường bảo vệ và ngăn ngừa ung thư phổi, trực tràng, đại tràng, dạ dày và ung thư gan. Trà xanh cung cấp nhiều lợi ích hơn so với trà đen, và cả hai đều vượt trội so với các loại trà thảo dược.
Nên chế biến thức ăn dưới dạng hấp, luộc để dễ tiêu hóa, hạn chế lượng dầu mỡ.
Bổ sung thêm vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho gan. Những bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối là những người có nguy cơ bị thiếu hụt nhiều khoáng chất và vitamin A, B, C và E, folate, magie và kẽm do cân nặng giảm và gia tăng thất thoát nước tiểu từ thuốc lợi tiểu. Tuy vậy, việc bổ sung Vitamin và khoáng chất cần được các bác sĩ đánh giá cho phù hợp với thể trạng và từng bệnh nhân.
Thực phẩm người mắc ung thư gan không nên ăn
- Thực phẩm chiên, xào có chứa nhiều dầu mỡ
- Các loại thịt màu đỏ, các loại đồ ăn được đóng hộp, chế biến sẵn
- Thực phẩm mặn, thực phẩm có hàm lượng muối cao
- Nội tạng động vật: Do chứa hàm lượng chất béo cao, nhiều cholesterol không tốt cho cơ thể
- Rượu và đồ uống có cồn, có ga: Các loại đồ uống này cần được loại bỏ khỏi thực đơn khi mắc ung thư thư gan bởi những loại đồ uống này sẽ khiến gan phải làm việc căng thẳng, trong khi đó gan cũng đang bị bệnh cần được nghỉ ngơi.
Những thói quen sinh hoạt tốt cho người bệnh
- Tập thể dục thường xuyên và luôn giữ cho trọng lượng cơ thể nằm ở mức lành mạnh.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất.
- Bỏ thuốc lá: hút thuốc lá, đặc biệt là khi bệnh nhân vẫn còn có thói quen uống những thức uống có chất cồn, có thể làm bệnh ung thư gan trở nên trầm trọng hơn.
Bệnh ung thư gan gây nhiều đau đớn và mệt mỏi trong quá trình điều trị ở bệnh nhân, điều này làm ảnh hưởng đến quá trình ăn uống. Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải có thể trạng tốt mới có thể chống chọi lại bệnh tật và đáp ứng các phương pháp điều trị. Xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý cho bệnh nhân ung thư gan là việc làm cần thiết.
Theo Pararx
Leave a reply