Trong quá trình điều trị, phục hồi sau phẫu thuật hoặc do các tác dụng phụ không mong muốn của hóa trị, bạn có thể cảm thấy chán ăn. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng có những loại thực phẩm có thể giúp chữa lành nhanh hơn và có thể ngăn ngừa ung thư đại trực tràng tái phát. Vậy ung thư đại trực tràng nên ăn gì và dinh dưỡng cho người bệnh như thế nào?

Tổng quan về bệnh ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng là ung thư biểu mô tuyến, có nguồn gốc từ các mô tại trực tràng. Biểu hiện, triệu chứng và biến chứng của ung thư đại trực tràng phụ thuộc vào vị trí của các khối u. Các triệu chứng chung của ung thư đại trực tràng bao gồm: Đau bụng, thay đổi thói quen đại tiện, giảm khối lượng phân và các triệu chứng thực thể khác như sút cân, suy nhược, mệt mỏi…

Có khoảng 15-20% bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng có di căn, phổ biến nhất là di căn đến hạch bạch huyết tại các khu vực như gan, phổi và phúc mạc.

Ung thư đại trực tràng nên ăn gì và như thế nào?

Ăn uống lành mạnh

Những gì bạn ăn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, đặc biệt là ruột già. Có một nghiên cứu tiến hành tại Viện Ung thư Dana-Faber ở Boston cho thấy một số thực phẩm có thể làm giảm khả năng tái phát của ung thư đại trực tràng. Nghiên cứu này thực hiện trên 1.000 bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn III đang được điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị và được chia thành hai nhóm. Trong đó, một nhóm sẽ theo chế độ ăn uống phương Tây và nhóm còn lại có chế độ ăn uống nhiều loại trái cây và rau quả. Kết quả cho thấy nhóm theo chế độ ăn uống phương Tây bị tái phát ung thư đại trực tràng cao gấp 3,5 lần so với nhóm còn lại. Điều này cho thấy rằng bạn có thể tăng khả năng sống còn của mình bằng cách thay đổi chế độ ăn.

Dinh dưỡng cho người ung thư đại trực tràng

Chế độ ăn uống không hợp lý và tình trạng thừa cân béo phì là những nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.

Một số loại thực phẩm làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, đặc biệt là thịt đỏ và thịt đã qua chế biến. Ngược lại chế độ ăn giàu rau, củ, quả có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng do chứa nhiều yếu tố có nguồn gốc thực vật giúp bảo vệ cơ thể chống lại ung thư nói chung và ung thư đại trực tràng nói riêng.

Dưới đây là một số yếu tố làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng mà bạn có thể tham khảo:

  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ: Các nghiên cứu về cả tổng lượng chất xơ cũng như các loại thực phẩm giàu chất xơ riêng lẻ như trái cây, rau, các loại ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu… đều cho thấy chúng có khả năng bảo vệ cơ thể chống lại ung thư đại trực tràng.
  • Sử dụng thực phẩm giàu vitamin B: Các loại rau lá xanh, đậu và ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp vitamin B dồi dào, một yếu tố quan trọng quyết định đến quá trình methyl hóa ADN, ảnh hưởng đến việc duy trì tính toàn vẹn và ổn định của vật chất di truyền. Vitamin B tham gia vào quá trình methyl hóa ADN và ngăn chặn sự hình thành các khối u bằng cách giảm tăng sinh tế bào, stress oxy hóa, hình thành mạch và các cơ chế khác.
  • Sử dụng thực phẩm giàu Canxi và vitamin D: Các đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp đã chứng minh tác dụng đáng kể của việc bổ sung Canxi và vitamin D trong việc làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Những người có nồng độ vitamin D trong máu cao có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng tới 30%.
  • Cà phê: Trong một nghiên cứu về sức khỏe và chế độ ăn uống trên 489.706 người bao gồm cả nam và nữ cho thấy thường xuyên uống cà phê đã làm giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng so với những người không uống.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia: Một nghiên cứu đánh giá năm 2015 cho thấy uống nhiều hơn một ly rượu mỗi ngày có liên quan đến việc gia tăng đáng kể nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Một phân tích tổng hợp các nghiên cứu quan sát trên hơn 16.000 trường hợp đã kết luận rằng cứ 5kg cân nặng tăng lên thì nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cũng tăng 4%. So với những người có mức cân nặng bình thường, cả bệnh nhân béo phì và nhẹ cân đều có nguy cơ mắc cũng như tử vong do ung thư đại trực tràng cao hơn đáng kể.
  • Thực hiện chế độ ăn lành mạnh: Trong một nghiên cứu tiến hành trên 100.000 người bao gồm cả nam và nữ giới cho thấy những người ít ăn thịt đỏ có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn đáng kể so với những người theo chế độ ăn tạp. Ngoài ra, chế độ ăn Địa Trung Hải cũng có khả năng làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng đến 10%.

Cải thiện cảm giác ngon miệng như thế nào?

Mất cảm giác ngon miệng là tình trạng rất phổ biến trong quá trình mắc bệnh cũng như đang điều trị ung thư đại trực tràng. Ung thư có thể làm thay đổi thói quen ăn uống của bạn. Nguyên nhân có thể do bác sĩ yêu cầu bạn phải kiêng các loại thức ăn nào đó hoặc do tác dụng phụ của thuốc và phương pháp điều trị.

Những tác dụng phụ không mong muốn có thể bao gồm buồn nôn, ói mửa, táo bón hoặc tiêu chảy, thay đổi về khứu giác và vị giác, khó nuốt, mệt mỏi, đau miệng hoặc khô miệng. Ngoài ra, những thay đổi về tâm lý cũng có thể làm cho bạn không muốn ăn.

Bạn có thể cải thiện tình trạng này bằng cách:

  • Thời gian ăn linh hoạt: Hãy chia nhỏ các bữa ăn và ăn nhiều bữa trong suốt cả ngày, cố gắng ăn nhiều hơn khi bạn đang cảm thấy ngon miệng.
  • Làm cho bữa ăn hấp dẫn và thú vị: Bạn hãy thử nhiều loại thức ăn và dạng thực phẩm khác nhau để xem loại nào làm cho bạn thích ăn nhất.
  • Hãy thay đổi hương vị: Bạn nên thử các loại thực phẩm khác nhau để biết bạn có thể ăn được những món nào. Bạn có thể thử các loại gia vị mới như quế, cà ri, bạc hà hoặc hương thảo để cải thiện mùi vị cho món ăn.
  • Tính lượng calo: Bạn nên chọn những thực phẩm có lượng calo cao để bù đắp lại sự sụt cân.
  • Kích thích sự thèm ăn của bạn: Tập thể dục nhẹ trước bữa ăn có thể làm cho bạn cảm thấy đói và kích thích sự thèm ăn. Bạn nên uống nước trái cây có chứa axit như nước chanh hoặc cam để giúp bạn ăn ngon miệng hơn.
  • Sử dụng các loại thuốc bổ: Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống bổ sung vitamin và khoáng chất giúp cải thiện dinh dưỡng nếu thức ăn hoặc đồ uống hằng ngày không thể cung cấp đủ chất cho bạn.
  • Tiếp nhận thức ăn qua ống dẫn: Là phương pháp áp dụng khi phẫu thuật thất bại. Đây là cách tốt nhất để cung cấp đủ lượng calo và chất dinh dưỡng cho cơ thể bạn.

Những hướng dẫn trên ta đã hiểu thêm về vấn đề ung thư đại trực tràng nên ăn gì và ăn uống ra sao cho lành mạnh để thể cải thiện sức khỏe đại tràng và ngăn ngừa bệnh ung thư tái phát. Bất đầu từ bây giờ, hãy thay đổi chế ăn ngay từ bây giờ để cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống nhé.

Theo Pararx