Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp là một phần rất quan trọng trong điều trị ung thư dạ dày. Ăn uống hợp lý sẽ giúp người bệnh duy trì sức khỏe ổn định và hỗ trợ quá trình chữa trị hiệu quả hơn. Vậy ung thư dạ dày nên ăn gì?

Thực phẩm bệnh nhân ung thư dạ dày nên ăn

Điều trị ung thư là một quá trình chiến đấu bền bỉ. Do đó, để đảm bảo giữ gìn cân nặng và sức khỏe tốt nhất, người bệnh nên bổ sung các loại thực phẩm sau:

Thực phẩm giàu protein

Protein có vai trò rất quan trọng trong quá trình nhận diện và sửa chữa tế bào. Nó cũng giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể nhanh chóng phục hồi sau khi bị bệnh. Do đó, người bị ung thư dạ dày nên bổ sung các thực phẩm chứa nhiều protein vào khẩu phần ăn của mình. Để tăng cường protein, người bệnh nên uống thêm sữa, ăn nhiều trứng, phô mai, thịt gà, cá, các loại hạt, đậu nành…

Ngũ cốc

Bệnh nhân ung thư dạ dày nên ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt (gạo, ngô, lúa mì, hạt lúa mạch), các loại củ (khoai tây, khoai lang, khoai sọ, sắn…). Tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn có nhiều đường, gây hại cho cơ thể. Các chất phụ gia cho thêm vào thực phẩm trong quá trình chế biến và bảo quản cũng là một trong những nhân tố góp phần làm tăng tỷ lệ bệnh ung thư.

Rau củ quả tươi

Rau củ quả tươi dồi dào hàm lượng vitamin, chất khoáng, chất xơ giúp tăng cường chất đề kháng, tốt cho hệ tiêu hóa, phòng chống và hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho bệnh nhân ung thư dạ dày. Rau củ quả tươi vừa giúp bổ sung dưỡng chất cần thiết cho cơ thể lại đẩy lùi được bệnh tật.

Các loại nấm

Các loại nấm như nấm kim châm, nấm hương, nấm mèo… chứa rất nhiều dưỡng chất hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho người bị ung thư. Hợp chất polysaccharide trong nấm có tác dụng ức chế hoạt động của các tế bào ung thư. Thêm vào đó, nấm còn chứa nhiều selen và vitamin, giúp tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch của cơ thể.

Đậu phụ

Vi khuẩn HP là thủ phạm chính gây viêm loét dạ dày và dẫn đến ung thư dạ dày. Vì vậy biện pháp để kiềm chế vi khuẩn HP là rất cần thiết. Các nhà khoa học đã tìm ra isoflavone – chất có nhiều trong đậu nành có tác dụng kiềm chế vi khuẩn HP và có khả năng ngăn chặn các tế bào ác tính phát triển thành ung thư. Nhưng cần lưu ý rằng, những người mắc bệnh dạ dày và đặc biệt là ung thư dạ dày cần tránh những thực phẩm chiên, rán giòn nhiều dầu mỡ. Tốt nhất ta nên dùng đậu phụ tươi, làm các món hấp, luộc, hầm… để đảm bảo cho sức khỏe.

Ung thư dạ dày ảnh hưởng đến việc tiêu thụ thức ăn như thế nào?

Dạ dày là bộ phận quan trọng của đường tiêu hóa. Do đó, ung thư dạ dày có thể gây ảnh hưởng sâu sắc đến việc ăn uống và hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể. Cụ thể, ung thư dạ dày có khả năng dẫn đến các tình trạng sau:

Khó tiêu

  • Người bệnh có thể bị đau bụng và đầy hơi trong quá trình điều trị ung thư dạ dày, khiến việc ăn uống và tiêu hóa trở nên khó khăn hơn.

Giảm cân không mong muốn

  • Áp lực khi nhận được chẩn đoán ung thư cũng như tác dụng phụ của các phương pháp điều trị có thể khiến người bệnh khó ăn, khó ngủ, khiến cân nặng giảm sút nghiêm trọng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, làm tăng nguy cơ biến chứng và giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Tiêu chảy

  • Ung thư dạ dày có thể gây tiêu chảy trong vài ngày. Ở một số người, tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư có thể dẫn đến các cơn tiêu chảy đột ngột, khiến người bệnh phải đi vệ sinh liên tục.

Chứng phân mỡ

  • Chứng phân mỡ là tình trạng phân nổi, có màu nhợt nhạt và mùi rất khó chịu. Tình trạng này xảy ra do chất béo không được tiêu hóa đúng cách.

Hội chứng Dumping

  • Hội chứng Dumping xảy ra khi thức ăn trong dạ dày được vận chuyển xuống ruột quá nhanh. Các triệu chứng của hội chứng này bao gồm tiêu chảy, đau quặn bụng, chóng mặt, buồn nôn, nôn, nhịp tim nhanh…

Những lưu ý cho người bệnh ung thư dạ dày

  • Ăn nhiều bữa trong ngày
  • Sử dụng các sản phẩm từ sữa một cách thận trọng
  • Giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm

Hạn chế các thực phẩm có hại cho dạ dày

  • Thức ăn cay như tiêu, ớt
  • Đồ ăn chua như cóc, xoài, bưởi, giấm
  • Thực phẩm quá khô cứng
  • Rượu bia, thức uống có cồn, cà phê
  • Các loại thực phẩm chứa nhiều đường, chất phụ gia, chất bảo quản

Thực đơn cho người ung thư dạ dày có vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị căn bệnh ung thư dạ dày. Bạn nên liên hệ với một chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn về cách xây dựng chế độ ăn uống của mình. Bên cạnh đó, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia nếu muốn dùng thêm vitamin, chất bổ sung hoặc thực phẩm chức năng. Để cân bằng dưỡng chất, giúp cho mình 1 sức khỏe thật tốt để kháng lại bệnh tật.

Theo Pararx