Phát ban do nhiễm HIV

Phát ban do HIV là một trong những dấu hiệu sớm, xuất hiện trong thời gian đầu sau khi phơi nhiễm. Triệu chứng này thường kéo dài trong khoảng một đến vài tuần và hầu hết đều không gây ngứa.

Phát ban da do HIV và phát ban do các bệnh lý thông thường đều có biểu hiện tương đối giống nhau. Vì vậy việc xác định vấn đề sức khỏe thông qua các biểu hiện thực thể có thể gây ra tình trạng nhầm lẫn. Chính vì vậy, bạn nên xem xét những biểu hiện đi kèm để có thể nhận biết đúng tình trạng sức khỏe của bản thân.

Dấu hiệu nhận biết phát ban HIV

Dấu hiệu phát ban HIV thường có những đặc điểm sau đây:

  • Nốt ban da thường có màu hồng, đỏ
  • Trên da có thể xuất hiện kèm theo các mụn nước, mủ nhỏ
  • Bề mặt da phát ban sần sùi, dày, nổi cộm, đồng thời có ranh giới rõ ràng so với những vùng da lành khác.
  • Phát ban da chủ yếu xuất hiện chủ yếu ở ngực, lưng và chân tay. Một số trường hợp khác, phát ban có thể xuất hiện ở cơ quan sinh dục, môi và bên trong khoang miệng
  • Phát ban thường xảy ra sau khoảng 2 – 3 tuần sau khi bị phơi nhiễm
  • Thường không gây ngứa da, nhưng với trường hợp phát ban do bệnh cơ hội, da có thể gây ngứa ngáy và khó chịu cho người bệnh.
  • Phát ban da do chuyển đổi huyết thanh thường tự biến mất và không cần phải điều trị

Ngoài ra, phát ban do HIV thường đi kèm với một số các triệu chứng khác như: sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, sốt, cơ thể mệt mỏi, kiệt sức, sụt cân không rõ nguyên nhân, tiêu chảy,…

Nguyên nhân gây phát ban

HIV là virus tấn công vào hệ miễn dịch của con người. Trong khoảng vài tuần đầu sau khi nhiễm loại virus này, cơ thể sẽ bắt đầu phát sinh một số triệu chứng, trong đó có tình trạng phát ban da.

Nguyên nhân gây phát ban da HIV có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau đây:

  • Do phản ứng chuyển đổi huyết thanh: Sau khi người bệnh bị nhiễm virus HIV, hệ miễn dịch sẽ sản sinh ra kháng thể để đối kháng với virus gây bệnh. Giai đoạn này được gọi là giai đoạn chuyển đổi huyết thanh và xuất hiện các triệu chứng như: phát ban, cảm cúm, sốt, sưng hạch bạch huyết,…
  • Do tác dụng phụ do dùng thuốc ức chế virus: Nếu bạn thấy xuất hiện các triệu chứng và nghi ngờ mình bị nhiễm bệnh thì bạn có thể đến các cơ sở y tế thăm khám, bác sĩ có thể cân nhắc và chỉ định một số loại thuốc kháng virus để ngăn ngừa phơi nhiễm. Tuy nhiên, tác dụng phụ của loại thuốc này có thể gây ra các triệu chứng như ngứa, phát ban, sốt hoặc đau khớp.
  • Bệnh cơ hội: Khi hệ miễn dịch suy yếu do bị nhiễm HIV có thể tạo điều kiện thuận lợi để các bệnh về da bùng phát, lúc này phát ban da có thể là dấu hiệu của viêm mô tế bào, viêm da dị ứng, bệnh zona, giang mai,…

Cần làm gì khi gặp những triệu chứng phát ban HIV

Trong trường hợp bạn nghi ngờ phát ban do HIV gây ra, cần xem xét khả năng nhiễm bệnh (quan hệ tình dục không an toàn, giẫm phải kim tiêm hoặc dùng kim tiêm chung với người khác,…). Sau đó cần chủ động đến bệnh viện để được thực hiện các xét nghiệm cần thiết.

Phát ban nhẹ

Nếu bạn chưa xét nghiệm HIV, các bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành xét nghiệm máu để phát hiện virus.

  • Nếu kết quả xét nghiệm là âm tính, có nghĩa là bạn không bị nhiễm HIV, các bác sĩ sẽ chẩn đoán phát ban do các nguyên nhân khác gây ra.
  • Nếu kết quả dương tính, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm cần thiết khác và kê đơn thuốc phù hợp cũng như đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.

Nếu bạn sử dụng thuốc HIV và phát ban ở mức độ nhẹ thì các bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn tiếp tục uống thuốc vì triệu chứng phát ban da thường biến mất sau một thời gian (1-3 tuần).

Phát ban và các triệu chứng khác kèm theo

Ngoài phát ban, người nhiễm bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm khác như sốt, buồn nôn, nôn… Lúc này, nếu bạn chưa xét nghiệm HIV, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu để xem bạn có nhiễm virus hay không. Từ cơ sở đó, bác sĩ sẽ có hướng thăm khám và điều trị phù hợp.

Phát ban trở nặng sau khi uống thuốc

Cơ thể có thể trở nên nhạy cảm với thuốc và một số triệu chứng của bệnh HIV. Lúc này bác sĩ có thể khuyến khích bạn ngừng thuốc và chỉ định một số loại thuốc khác thay thế. Thông thường các triệu chứng nhạy cảm quá mức thường biến mất sau khoảng từ 1 – 2 ngày.

Một số nhóm thuốc chính chống HIV có thể gây phát ban da bao gồm:

  • Nhóm thuốc NNRTI
  • Nhóm thuốc NRTI
  • Nhóm thuốc PI

Thông thường, người bị nhiễm HIV thường có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn do sự bất thường trong chức năng của tế bào miễn dịch. Vì thế, người bệnh nên hỏi bác sĩ về tình trạng này để hạn chế tối đa triệu chứng phát ban da có thể gây ra.

Bệnh HIV chưa có phương pháp điều trị dứt điểm nhưng hầu hết các trường hợp phát hiện sớm đều có thể sống khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ nếu tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Ngược lại nếu không tiến hành điều trị, bệnh có thể tiến triển thành hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS), nguy cơ tử vong rất cao.

Phát ban là một trong những dấu hiệu nhận biết bệnh HIV, do đó khi xuất hiện tình trạng này kèm theo sốt, sụt cân, chán ăn, mệt mỏi thì bạn nên đến các trung tâm y tế để thăm khám, tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời.