Chỉ chiếm khoảng 12%, nhưng bệnh ung thư phổi có tỷ lệ tử vong rất cao, với 28% trong số các ca tử vong do ung thư nói chung. Vậy nguyên nhân gây bệnh ung thư phổi là gì?
Bệnh ung thư phổi
Bệnh ung thư hay gặp, khó phát hiện nhất và kết quả điều trị hiệu quả thấp, gây tử vong nhiều nhất hiện nay là ung thư phổi. Tại Việt Nam, sau ung thư gan, ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm thứ hai ở cả nam và nữ.
Ung thư phổi là căn bệnh trong đó xuất hiện một khối u ác tính được mô tả qua sự tăng sinh tế bào không thể kiểm soát trong các mô phổi. Nếu người bệnh không được điều trị, sự tăng trưởng tế bào này có thể lan ra ngoài phổi đến các mô hoặc bộ phận khác của cơ thể, quá trình này gọi là di căn.
Hiện nay, theo các kết quả nghiên cứu, bệnh ung thư phổi được chia thành 2 loại: ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Nguyên nhân gây bệnh ung thư phổi
Bệnh nhân bị ung thư phổi bởi những nguyên nhân sau:
Hút thuốc
- Hút thuốc, đặc biệt là thuốc lá điếu, cho đến nay là tác nhân chính gây ra bệnh ung thư này. Trong khói thuốc lá có chứa ít nhất 73 chất gây ung thư như là benzo(a)pyren, NNK, buta-1,3-dien, và một đồng vị phóng xạ của poloni đó là poloni-210. Hút thuốc cũng là nguyên nhân của khoảng 85% số ca mắc bệnh.
- Việc hít phải khói thuốc từ một người khác đang hút thuốc, hay thường được gọi là hút thuốc thụ động, là một trong những nguyên nhân gây ra ung thư phổi ở những người không hút thuốc.
- Nguy cơ mắc bệnh đối với những người sống cùng với người hút thuốc tăng lên từ 20–30% trong khi đối với những người làm việc trong môi trường có khói thuốc là 16–19%. Các nghiên cứu chỉ ra khói thuốc bay ra ngoài không khí từ điếu thuốc cháy (sidestream smoke) nguy hiểm hơn nhiều so với loại khói mà người hút thuốc trực tiếp hít vào (mainstream smoke).
Ô nhiễm không khí
- Ô nhiễm không khí ngoài trời có một tác động nhỏ đến sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư này. Các hạt vật chất nhỏ (bụi PM2.5) và các sol khí sunfat (có trong khí thải xe cộ) có liên quan tới sự gia tăng nguy cơ nhẹ. Lượng nitơ dioxide trong không khí tăng lên 10 phần tỉ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên 14%. Theo ước tính, ô nhiễm không khí ngoài trời là nguyên nhân của 1–2% số trường hợp mắc ung thư phổi.
- Môi trường làm việc là yếu tố dễ gây ra bệnh ung thư phổi. Các tác nhân từ môi trường gây ung thư này như: khói bụi, những người làm việc trong môi trường luyện thép, niken, crom và khí than.
Tiếp xúc với tia phóng xạ
- Đây là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư phổi. Bệnh nhân làm việc trong các mỏ uranium, fluorspar và hacmatite có thể tiếp xúc với tia phóng xạ do hít thở không khí có chứa khi radon.
Khí Radon
- Radon là một loại khí không màu, không mùi được tạo ra từ hoạt động phân rã chất phóng xạ radi là sản phẩm phân rã của urani và được tìm thấy trong lớp vỏ Trái Đất.
- Các sản phẩm phân rã của quá trình phóng xạ ion hóa vật chất di truyền, gây ra những sự đột biến mà đôi khi chuyển đổi thành ung thư. Mức độ tập trung khí Radon tăng lên mỗi 100 Bq/m³ thì nguy cơ mắc bệnh tăng lên từ 8–16%. Hàm lượng khí Radon có sự khác biệt tùy vào khu vực và thành phần đất đá ở dưới mặt đất.
Amiăng
- Amiăng là loại chất có thể gây ra nhiều loại bệnh ở phổi khác nhau, trong đó có ung thư phổi. Hút thuốc lá và amiăng có ảnh hưởng kết hợp trong việc dẫn tới sự hình thành ung thư phổi. Đối với những người hút thuốc có tiếp xúc với amiăng, nguy cơ mắc bệnh tăng tới 45 lần. Ngoài ra amiăng còn có thể gây ra ung thư màng phổi, được gọi là u trung biểu mô màng phổi (khác với ung thư phổi).
Di truyền
- Khoảng 8% số ca ung thư phổi có nguyên nhân tới từ các yếu tố di truyền. Một người có quan hệ họ hàng với người bị ung thư này thì nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên 2,4 lần.
Cách phòng tránh bệnh ung thư phổi
Tránh xa thuốc lá
- Nếu bạn chưa bao giờ hút thuốc, đừng thử. Nếu đã hút thuốc trong nhiều năm, hãy ngừng ngay. Bên cạnh đó, cần hạn chế tiếp xúc với khói thuốc bằng cách vận động người thân không hút thuốc, đeo khẩu trang mỗi khi ra đường và tránh đến các khu vực có nhiều người hút thuốc, chẳng hạn như quán bar, nhà hàng, quán cà-phê…
Kiểm tra mức độ radon
Đảm bảo nó luôn ở ngưỡng an toàn.
- Tăng cường thông gió
- Sử dụng các máy làm sạch không khí
- Lưu trữ nước trong bể trước khi sử dụng
- Bịt kín các vết nứt trên sàn nhà hoặc trên tường
- Hạn chế thời gian tiếp xúc với sàn nhà hoặc tầng hầm
Cẩn trọng trước ô nhiễm không khí
- Nếu phải làm việc trong môi trường có chất độc hại làm tăng nguy cơ ung thư ác tính ở phổi, hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ mình khỏi tiếp xúc với chúng. Những biện pháp này bao gồm đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ…
Có chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả
- Việc tuân thủ thực đơn đa dạng các loại rau củ quả, hạn chế thịt đỏ và các loại thịt đã qua chế biến đã được chứng minh làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, trong đó có bệnh u phổi cấp tính.
Tập thể dục đều đặn
- Nguy cơ mắc bệnh cùng nhiều loại u độc khác sẽ giảm khi vận động thường xuyên. Hãy cố gắng tập thể dục tối thiểu 30 phút/ngày, với bất kỳ hình thức nào: đi bộ, đạp xe, yoga, nhảy dây, bơi lội…
Bệnh ung thư phổi là căn bệnh có tỷ lệ tử vong khá cao. Tuy nhiên, bệnh vẫn có khả năng chữa khỏi nếu được phát hiện, điều trị ở giai đoạn khối u chưa phát triển lớn và lan rộng.
Thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng quát hoặc tầm soát khối u ác tính là cách tốt nhất để phòng tránh căn bệnh quái ác này. Ngoài ra nên từ bỏ thói quen có hại, đặc biệt là hút thuốc và cân bằng cuộc sống bằng cách sống lành mạnh hơn.
Leave a reply