Ở Việt Nam, ung thư phổi là căn bệnh xếp thứ nhất trong số 10 loại ung thư thường gặp ở cả nam giới và nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các bệnh nhân ung thư ở nam giới. Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi là thói quen hút thuốc lá.

Tác hại của thuốc lá

Bệnh ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và những ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản,… là những tác hại mà thuốc lá gây ra trong đó có nhiều bệnh lý rất nguy hiểm.

  • Thuốc lá gây ra 90% trường hợp ung thư phổi, 75% các trường hợp phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ.
  • Khói thuốc gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của phụ nữ mang thai và thai nhi, gây ung thư phổi, khí phế thũng, rụng tóc và đục nhân mắt.
  • Hút thuốc lá có thể làm ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục và hệ sinh sản của cơ thể
  • Không chỉ người hút thuốc bị nguy hiểm mà người hút thuốc lá thụ động cũng chịu ảnh hưởng nặng nề không kém. Hút thuốc thụ động là hít phải (còn gọi là phơi nhiễm) khói thuốc, gây nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em. Ở người lớn, hút thuốc lá thụ động gây ung thư phổi, ung thư vú, các bệnh về tim mạch, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, dễ sinh non. Ở trẻ em, phơi nhiễm khói thuốc làm tăng nguy cơ mắc viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, hen suyễn, kém phát triển chức năng phổi,…

Hút thuốc lá gây ung thư phổi như thế nào?

Thông thường, khi chúng ta hít thở, không khí sẽ vào đường hô hấp trên qua mũi, miệng – nơi không khí được lọc, sưởi ấm và làm ẩm rồi đi qua khí quản để vào phổi. Khi khói thuốc đi vào miệng, người hút thuốc đã bỏ qua cơ chế bảo vệ thứ nhất là quá trình lọc ở mũi nên sẽ đưa nhiều độc tố vào cơ thể hơn.

Người hút thuốc lá thường bài tiết nhiều đờm hơn người không hút thuốc và khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp cũng kém hơn do hệ thống lông chuyển ở người hút thuốc bị liệt hoặc thậm chí đã bị phá hủy. Bên cạnh đó, khói thuốc làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy cũng như thành phần của chất nhầy. Đôi khi, các tuyến tiết nhầy bị tắc, làm giảm khả năng bài tiết đờm của người hút thuốc. Hậu quả chính là chất nhầy bị nhiễm nhiều chất độc hại từ khói thuốc, bị giữ lại trong phổi và cản trở sự lưu thông trao đổi không khí.

Hút thuốc cũng gây tăng tính đáp ứng đường thở. Do ảnh hưởng của các chất độc hại có trong khói thuốc lá, đường thở dễ bị co thắt, luồng khí hít vào và thở ra bị cản trở, tạo các tiếng ran rít, ran ngáy khi thở và có thể gây khó thở. Những người hút thuốc dễ bị nhiễm virus, vi khuẩn, dễ mắc lao phổi, bệnh phổi mạn tính, đặc biệt là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc ung thư phổi của những người có thói quen hút thuốc lá cao gấp 10 lần so với những người không hút thuốc. Mức độ tăng nguy cơ mắc bệnh tùy thuộc vào loại tế bào ung thư.

Trên thực tế, bệnh ung thư phổi nếu được phát hiện sớm thì cơ hội kéo dài cuộc sống trên 5 năm hay thậm chí chữa khỏi được là rất cao. Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam, ung thư phổi vẫn là căn bệnh có tỷ lệ tử vong hàng đầu vì thường được phát hiện muộn. Vì vậy, phát hiện sớm ung thư phổi đóng vai trò rất quan trọng.

Thuốc lá điện tử có ảnh hưởng gì tới phổi?

Thuốc lá điện tử (tên tiếng Anh là Electronic cigarettes) là thiết bị chạy bằng pin dùng để làm nóng dung dịch lỏng (thường chứa nicotine), biến dùng dịch này thành hơi để người hút có thể hít vào phổi. Thuốc lá điện tử có rất nhiều tên gọi khác nhau như vape, thuốc lá vaporizer hay hệ thống phân phối nicotine điện tử (Electronic Nicotine Delivery Systems).

Gần đây, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC) đã báo cáo hơn 1.000 trường hợp chấn thương phổi liên quan đến vape, chủ yếu liên quan đến các sản phẩm thuốc lá điện tử có chứa tetrahydrocannabinol (THC).

Tổn thương phổi do thuốc lá điện tử được gây ra bởi Nicotin – làm bạn thở gấp với hơi thở nông, tăng nguy cơ mắc bệnh phổiung thư phổi. Bên cạnh đó, diacetyl – một chất tạo hương – được tìm thấy trong một số sản phẩm thuốc lá điện tử có liên quan đến một số bệnh phổi nghiêm trọng.

Làm sao để bỏ thuốc lá giảm nguy cơ gây ung thư phổi?

Chất nicotine có trong các loại thuốc lá thông thường và thuốc lá điện tử có thể khiến cho nhiều người nghiện, vì vậy việc bỏ thuốc không hề dễ như hút thuốc. Dưới đây là một số mẹo để bỏ thuốc:

  • Lên kế hoạch: Chọn một ngày cụ thể, lên mục tiêu để bỏ thuốc và nghĩ cách làm sao để có thể cưỡng lại cơn thèm thuốc sau này.
  • Giữ cho mình luôn bận rộn: Khi cơn thèm thuốc đến, bạn cần phải khiến cho mình sao nhãng bằng cách làm việc khác.
  • Tạo một danh sách những lý do nên bỏ thuốc như: Tiết kiệm tiền, răng trắng hơn, nhiều năng lượng hơn, bất kể là lý do gì, nên tạo một danh sách những lý do nên bỏ thuốc và đọc nó hằng ngày.
  • Tìm sự hỗ trợ: Thật khó để có thể bắt đầu thói quen bỏ thuốc một mình, có thể nhờ bạn bè, gia đình giúp nếu cần thiết.

Hút thuốc lá gây ung thư phổi, gây nên cái chết từ từ và đau đớn. Từ bỏ thói quen hút thuốc lá là điều vô cùng tốt, giúp mình tránh gặp phải những căn bệnh nguy hiểm và đảm bảo sức khỏe cho những người xung quanh mình.