Hầu như tất cả bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đều có biểu hiện bệnh lý ngoài da trong quá trình diễn tiến của bệnh. Trong một số trường hợp, nhiễm HIV có thể được chẩn đoán sớm nhờ vào các triệu chứng ngoài da. HIV/AIDS và các bệnh da liễu liên quan gồm: Bệnh zona, tưa miệng, ung thư kaposi, bạch sản miệng…
HIV/AIDS và các bệnh da liễu: Bệnh zona
Bệnh zona hay còn gọi là herpes zoster là một chứng bệnh nhiễm trùng do virus thủy đậu gây ra. Virus thủy đậu tồn tại trong cơ thể người khi mắc bệnh thủy đậu và tiếp tục âm thầm ở bên trong các tế bào thần kinh dẫn đến bệnh zona.
Những triệu chứng ban đầu của bệnh zona bao gồm:
- Ngứa ran khắp người
- Tê và đau như kim đâm trên da
- Nổi mụn mủ hoặc mẩn đỏ
Cũng giống như các bệnh da liễu khác do virus gây ra, bạn không thể chữa trị dứt điểm bệnh zona. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng thuốc để kiểm soát triệu chứng bệnh. Bác sĩ sẽ kê đơn những loại thuốc miễn dịch kháng virus để trị bệnh, tùy vào mức độ nặng nhẹ.
Viêm da tiết bã nhờn
Viêm da tiết bã là chứng viêm da ở quanh các tuyến bã nhờn (chủ yếu ở đầu, mặt, ngực, lưng trên và háng). Khi những tuyến này sản sinh ra quá nhiều dầu, nó sẽ làm da đỏ và tróc vẩy.
Để điều trị tình trạng này, bạn có thể sử dụng dầu gội có chứa nhựa than đá, kẽm pyrithion hoặc selenium sulfide. Các phương pháp điều trị khác bao gồm thuốc chống nấm cục bộ như ketoconazole hoặc các loại thuốc corticosteroid như hydrocortisone. Ở người nhiễm HIV, viêm da tiết bã sẽ cải thiện khi hệ miễn dịch hồi phục qua việc điều trị HIV đúng cách.
Bệnh herpes
Bệnh herpes là căn bệnh do virus gây ra. Có hai loại virus chính gây bệnh là virus herpes simplex type 1 (HSV-1) và virus herpes simples type 2 (HSV-2). Virus HSV-1 thường gây ra các vết tổn thương như vết lở trên hoặc gần miệng. Trong khi đó, virus HSV-2 gây bệnh tại các bộ phận sinh dục và thường được gọi là bệnh herpes sinh dục, bệnh lây truyền qua đường tình dục. Quan hệ tình dục hoặc hôn sâu có thể khiến cho virus herpes truyền nhiễm từ người này sang người khác.
Hiện nay vẫn chưa có liệu pháp điều trị dứt điểm bệnh herpes. Kể cả khi đã hết bệnh thì virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể. Loại virus này âm thầm tồn tại ở các tế bào thần kinh cho đến khi chịu tác động của các tác nhân gây bệnh sẽ khiến bệnh tái phát. Khi bệnh bộc phát trở lại, bạn có thể dùng những loại thuốc miễn dịch kháng virus để chữa trị.
HIV/AIDS và các bệnh da liễu: Bệnh tưa miệng
Bệnh tưa miệng là chứng nhiễm trùng ở miệng do nấm Candida. Dấu hiệu phổ biến của bệnh tưa miệng là sự xuất hiện của các đốm trắng, mảng trắng ở trong miệng, thường là ở lưỡi hoặc ở phần má trong, thỉnh thoảng ở vòm miệng, nướu răng. Những đốm trắng này thường gây đau đớn và rướm máu khi bạn chạm vào chúng hoặc đánh răng.
Để trị bệnh tưa miệng, bác sĩ sẽ kê cho bạn các loại thuốc trị nấm (dạng viên hoặc dạng lỏng) sử dụng từ 10 đến 14 ngày.
Bạch sản miệng
Bạch sản miệng là chứng nhiễm trùng làm xuất hiện các đốm trắng trên miệng hoặc bên dưới lưỡi. Chứng nhiễm trùng này do virus Epstein-Barr gây ra. Bạch sản miệng được xem là dấu hiệu nhiễm HIV ở bệnh nhân giai đoạn đầu.
Các đốm do bệnh bạch sản miệng gây ra mang nhiều hình dạng khác nhau. Những đốm này không gây đau nhức hay khó chịu, chính vì vậy nó rất khó để chữa trị dứt điểm. Bệnh này thường tự hồi phục, nhưng nguy cơ tái phát rất cao. Bạn có thể sử dụng thuốc Acyclovir, loại thuốc trị bệnh herpes để chữa trị bạch sản miệng.
U mềm lây
U mềm lây là một trong các bệnh da liễu truyền nhiễm do virus gây nên, khiến da xuất hiện các nốt đỏ hoặc trắng sáp. Chứng bệnh này không nghiêm trọng, các nốt nổi trên da có thể tự hồi phục và biến mất mà không cần chữa trị. Tuy nhiên, với những người mắc bệnh HIV, hệ miễn dịch đã bị suy giảm thì u mềm lây có thể trở thành mạn tính và ngày càng nghiêm trọng. Khi đó, bạn cần đến sự trợ giúp của bác sĩ.
Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng axit retinoic hoặc kem Imiquimod để khắc phục tình trạng bệnh.
Ung thư Kaposi
Ung thư Kaposi (Sarcoma Kaposi) xảy ra trên da và những lớp màng nhầy. Đây là dấu hiệu nhiễm HIV do virus herpes gây ra.
Sarcoma Kaposi biểu hiện dưới dạng những đốm màu đen hoặc tím trên da. Vì hệ miễn dịch của bệnh nhân bị suy giảm do HIV/AIDS nên các đốm này dễ dàng lây nhiễm đến các bộ phận trên cơ thể, kể cả những cơ quan bên trong.
Bạn có thể chữa trị ung thư Kaposi bằng cách:
- Phẫu thuật (cắt bỏ các đốm nổi trên da)
- Hóa trị liệu (dùng chất hóa học loại bỏ tế bào ung thư)
- Trị liệu bằng bức xạ hoặc điều trị sinh học (dùng các nguồn có sẵn trong cơ thể để cải thiện hệ miễn dịch).
Ngoài ra, thông qua việc củng cố hệ miễn dịch bằng cách điều trị HIV cũng giúp cải thiện Sarcoma Kaposi hiệu quả.
Leave a reply