Ung thư đại trực tràng (UTDTT)là bệnh khá phổ biến ở nước ta, thực tế bệnh thường gặp ở nam nhiều hơn nữ. Lứa tuổi mắc bệnh nhiều nhất là từ 30 – 60.
Bệnh cần được phát hiện sớm để can thiệp bằng phẫu thuật mới có hiệu quả, nếu phẫu thuật thì chỉ phẫu thuật một lần là tốt nhất.
Ung thư đại trực tràng là bệnh gì?
Đại tràng và trực tràng là một phần của hệ tiêu hóa, nó có hình ống dài khoảng 1,5 mét, gồm 4 lớp (niêm mạc, lớp dưới niêm mạc, lớp cơ và thanh mạc).
Ung thư đại trực tràng là loại ung thư có nguồn gốc từ đại tràng (phần chính của ruột già) hoặc trực tràng (đoạn nối giữa đại tràng và hậu môn), tùy thuộc vào vị trí chúng bắt đầu. Ung thư đại tràng và ung thư trực tràng thường được xếp chung một nhóm với nhau vì chúng có nhiều điểm chung.
Ung thư có nguồn gốc từ đại tràng hoặc trực tràng gọi là ung thư nguyên phát, trong khi ung thư lây lan từ các bộ phận khác được gọi là ung thư di căn. Đây là loại ung thư phổ biến được chẩn đoán có ở cả nam và nữ.
Ung thư bắt đầu xuất hiện khi các tế bào trong cơ thể bắt đầu phát triển ngoài tầm kiểm soát.
Ung thư đại trực tràng được chia thành các giai đoạn:
- Giai đoạn 0: Còn gọi là ung thư biểu mô tại chỗ. Lúc này, các tế bào bất thường chỉ nằm trong lớp niêm mạc của đại trực tràng.
- Giai đoạn 1: Tế bào ung thư xâm nhập vào lớp niêm mạc hoặc dưới niêm mạc, có thể đã phát triển vào lớp cơ.
- Giai đoạn 2: Ung thư lan đến thành đại trực tràng hoặc xuyên qua thành để đến các mô lân cận.
- Giai đoạn 3: Ung thư lan đến các hạch bạch huyết.
- Giai đoạn 4: Ung thư di căn đến các cơ quan xa như gan, phổi…
Nguyên nhân gây ra ung thư đại trực tràng
Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu về nguyên nhân gây bệnh UTDTT. Tuy nhiên, ung thư thường xảy ra do những thay đổi trong ADN tế bào. Những thay đổi này khiến tế bào ở đại tràng và trực tràng tăng trưởng với tốc độ bất thường, gây hình thành khối u.
Tuy nhiên, bạn có thể mắc khi có một số yếu tố nguy cơ dưới đây:
- Người lớn tuổi, từ khoảng 50 tuổi trở lên.
- Chế độ ăn uống không khoa học: ăn quá nhiều chất béo, đồ chiên rán, ít chất xơ, rau củ quả.
- Người ít vận động, hút thuốc lá,… sinh hoạt không lành mạnh.
- Người sống trong gia đình có thành viên mắc UTDTT thì khả năng bị bệnh sẽ cao hơn.
- Người bị viêm đường ruột, viêm loét đại trực tràng, nếu để kéo dài thì có thể dẫn đến ung thư.
- Chị em đã từng bị ung thư vú, buồng trứng hay tử cung sẽ có khả năng mắc ung thư ruột già cao.
Triệu chứng thường gặp
Ung thư đại trực tràng thường không biểu hiện thành triệu chứng rõ rệt, đặc biệt trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, bạn có thể gặp các tình trạng:
- Thay đổi thói quen đi tiêu, tiêu chảy hoặc táo bón
- Cảm giác đi tiêu không hết phân
- Máu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm trong phân
- Phân có hình dạng bất thường, nhỏ và dẹt hơn
- Đau bụng, đầy bụng
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Mệt mỏi
- Buồn nôn hoặc nôn.
Khi tế bào ung thư di căn đến các cơ quan khác, bạn có thể bị:
- Vàng da hoặc mắt
- Sưng bàn tay, bàn chân
- Khó thở
- Đau đầu
- Gãy xương
Điều trị bệnh ung tư đại trực tràng
Điều trị ung thư đại trực tràng bao gồm nhiều phương pháp. Hiện nay, với sự phát triển của lĩnh vực y khoa, bác sĩ có thể quan sát rõ ràng các cơ quan bên trong ổ bụng để có những phương pháp điều trị phù hợp. Theo đó, việc hiểu rõ những phương pháp này sẽ giúp bạn trao đổi tốt hơn với bác sĩ để tìm ra phác đồ phù hợp nhất với mình.
Phẫu thuật
- Phẫu thuật thường là phương pháp điều trị chính cho UTDTT. Bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp này để loại bỏ các khối u. Tùy vào giai đoạn bệnh và vị trí khối u mà bác sĩ có thể phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ đại trực tràng, kèm theo loại bỏ các hạch bạch huyết.
Hóa trị
- Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Bác sĩ có thể hóa trị trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u hoặc sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Hóa trị cũng được dùng khi ung thư tái phát.
Xạ trị
- Phương pháp này dùng tia xạ để tiêu diệt tế bào ung thư. Bạn có thể xạ trị trước khi phẫu thuật để giảm kích thước khối u. Đôi khi, xạ trị cũng được dùng sau phẫu thuật.
Phòng ngừa
UTDTT có thể phòng tránh được thông qua một số biện pháp dưới đây:
- Chế độ ăn uống khoa học, không ăn quá nhiều thịt, chất béo, hạn chế uống các loại đồ uống có cồn,… Nên ăn nhiều thực phẩm giàu xơ, bởi vì chúng có thể làm giảm ứ đọng phân trong lòng ruột và sản sinh các vi khuẩn có lợi.
- Thường xuyên tập thể dục, thể thao.
- Bổ sung nhiều loại vitamin E, C, A và canxi.
- Đối với những người ở độ tuổi từ 50 trở lên thì nên xét nghiệm máu trong phân, nội soi trực tràng, đại tràng 3 – 5 năm một lần để có thể phát hiện sớm bệnh.
- Tránh tiếp xúc với những chất gây đột biến gen như: thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trọng,… có trong thực phẩm.
- Khám sức khỏe và thực hiện tầm soát ung thư định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín.
- Khi có dấu hiệu bất thường về đường tiêu hóa, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp.
Theo Pararx
Leave a reply