Xét nghiệm HIV

Xét nghiệm HIV là bao gồm một số xét nghiệm về máu hoặc dịch trong cơ thể để xác định xem bạn có bị nhiễm virus HIV hay không.

Hầu như không thể phát hiện nhiễm HIV ngay lập tức, cơ thể bạn cần phải có thời gian để tạo ra kháng thể hoặc lượng virus đủ để phát triển. Bạn có thể mất khoảng 3–6 tháng trước khi nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với HIV. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu xét nghiệm sớm, bạn có thể bị âm tính giả trong khi thực tế đã nhiễm bệnh.

Chúng ta nên thăm khám sức khỏe định kỳ và thực hiện xét nghiệm HIV ít nhất một lần và xem đó như là một phần của chăm sóc sức khỏe định kỳ. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến khích tất cả mọi người trong độ tuổi từ 13–64 nên thực hiện.

Nếu không may bạn nhiễm virus HIV, phát hiện sớm sẽ giúp bạn chuẩn bị tinh thần điều trị tốt hơn đồng thời có những biện pháp đề phòng lây truyền HIV cho người khác.

Các loại xét nghiệm HIV

Xét nghiệm HIV bao gồm:

  • Xét nghiệm axit nucleic (NAT)
  • Xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể
  • Xét nghiệm kháng thể

Các xét nghiệm này thường lấy mẫu máu hoặc dịch miệng, một vài trường hợp có thể lấy mẫu nước tiểu.

Xét nghiệm axit nucleic (NAT)

Xét nghiệm NAT giúp xác định virus HIV có thực sự ở trong máu hay không. Xét nghiệm có thể cho kết quả dương tính/âm tính hoặc một lượng virus có trong máu (được gọi là xét nghiệm tải lượng virus HIV). Nhìn chung, loại xét nghiệm này khá tốn kém, và nó không được sử dụng thường xuyên cho việc sàng lọc với mục đích cá nhân, trừ trường hợp bạn có nguy cơ cao phơi nhiễm HIV hoặc xuất hiện sớm các triệu chứng HIV.

Xét nghiệm NAT thường đem lại kết quả khá chính xác trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh. Tuy nhiên, để giúp bác sĩ hiểu rõ kết quả âm tính khi xét nghiệm, tốt nhất bạn nên làm thêm xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể. Thêm vào đó, độ chính xác của xét nghiệm này có thể giảm đi nếu bạn dùng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) hoặc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP).

Xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể

Xét nghiệm này cho phép tìm kiếm cả kháng nguyên và kháng thể HIV. Các kháng thể được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch khi cơ thể tiếp xúc với vi khuẩn hoặc virus như HIV. Kháng nguyên là những chất lạ, chúng xâm nhập vào cơ thể và kích hoạt hệ thống miễn dịch tự nhiên của bạn. Nếu bạn bị nhiễm HIV, một kháng nguyên có tên P24 được tạo ra ngay cả trước khi kháng thể phát triển.

Xét nghiệm kháng thể

Xét nghiệm kháng thể là loại xét nghiệm HIV nhanh và có thể thực hiện tại nhà. Xét nghiệm giúp tìm kiếm các kháng thể HIV trong máu hoặc dịch tiết cơ thể.

Để phát hiện HIV sớm hơn, bạn có thể làm xét nghiệm kháng thể thông qua sử dụng máu từ tĩnh mạch thay vì thực hiện các xét nghiệm với mẫu máu hoặc dịch tiết cơ thể.

  • Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm hầu như là xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể HIV. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tiến hành xét nghiệm sàng lọc kháng thể trong phòng thí nghiệm tại cơ sở y tế. Khi thực hiện xét nghiệm, bác sĩ sẽ lấy máu từ tĩnh mạch, sau đó cho vào ống đựng mẫu rồi gửi tới phòng thí nghiệm để phân tích. Bạn sẽ mất khoảng vài ngày để nhận được kết quả xét nghiệm
  • Với xét nghiệm sàng lọc kháng thể nhanh chóng, kết quả thường có sớm hơn (trong khoảng 30 phút, thậm chí ít hơn). Xét nghiệm được thực hiện trong môi trường lâm sàng thông thường, lấy mẫu máu từ ngón tay hoặc dịch miệng
  • Tự kiểm tra kháng thể trong dịch miệng cũng là một cách xét nghiệm HIV cho kết quả nhanh chóng. Bạn chỉ cần tự lấy mẫu dịch tiết cơ thể và kiểm tra bằng bộ dụng cụ y khoa. Sau khoảng 20 phút, bạn sẽ nhận được kết quả. Ưu điểm của xét nghiệm này là có thể thực hiện ngay tại nhà hoặc tại các chương trình sàng lọc HIV trong cộng đồng hay tại các phòng khám.

Nếu bạn thực hiện bất kỳ loại xét nghiệm kháng thể nào và nhận được kết quả là dương tính, bạn sẽ cần thực hiện xét nghiệm theo dõi để xác nhận kết quả. Để biết loại xét nghiệm nào là phù hợp với mình, bạn nên tìm gặp bác sĩ để nhờ tư vấn và giải đáp các thắc mắc.

Sau khi có được kết quả cuối cùng, nếu bạn đã nhiễm HIV, hãy nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn điều trị. Trong trường hợp xét nghiệm cho kết quả âm tính, bạn vẫn nên tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn ngừa HIV, ví dụ như sử dụng bao cao su đúng cách, quan hệ tình dục lành mạnh và uống thuốc để ngăn ngừa HIV nếu bạn có nguy cơ cao.

Giai đoạn cửa sổ của HIV là gì?

Giai đoạn cửa sổ HIV là khoảng thời gian giữa thời điểm phơi nhiễm HIV (virus xâm nhập vào cơ thể) cho đến khi phát hiện HIV bằng các xét nghiệm. Hầu hết có thể phát hiện ra sự phát triển của kháng thể HIV trong vòng 23-90 ngày sau khi nhiễm bệnh.

Ngay khi bạn bị nhiễm HIV, virus gây bệnh sẽ bắt đầu sinh sản trong cơ thể của bạn. Hệ thống miễn dịch của con người phản ứng với các kháng nguyên (bộ phận của vi-rút) bằng cách tạo ra các kháng thể (tế bào chống lại virus).

Trong thời gian này, khi thực hiện xét nghiệm HIV sẽ cho ra kết quả âm tính mặc dù bệnh nhân đã thực sự bị nhiễm bệnh. Họ vẫn có thể truyền virus cho người khác trong giai đoạn cửa sổ. Nếu nghi ngờ mình đã bị phơi nhiễm HIV nhưng xét nghiệm lại cho kết quả âm tính, bạn nên thực hiện tiếp các xét nghiệm trong một vài tháng để xác nhận (thời gian phụ thuộc vào xét nghiệm được sử dụng). Và trong thời gian này, bạn cần sử dụng bao cao su để ngăn ngừa khả năng lây lan HIV.

Xét nghiệm HIV âm tính giả, thật là gì?

Xét nghiệm HIV âm tính thật

Khi kết quả trả về là âm tính (Negative), điều này có nghĩa là người xét nghiệm không bị nhiễm bệnh.

Xét nghiệm HIV âm tính giả

Trong một số ít trường hợp kết quả âm tính không đúng thực tế (âm tính giả), nghĩa là người bệnh đã mắc HIV nhưng kết quả xét nghiệm lại cho thấy không nhiễm virus HIV.

Xét nghiệm HIV giai đoạn cửa sổ sẽ cho kết quả âm tính giả. Cơ thể người làm xét nghiệm đã nhiễm virus HIV nhưng cơ thể lại chưa kịp tạo ra kháng thể chống lại virus HIV, do đó khi xét nghiệm cho kết quả âm tính.

Các trường hợp có tiếp xúc với yếu tố nguy cơ nhưng khi xét nghiệm lại âm tính nên lặp lại xét nghiệm HIV trong 1-3 tháng sau đó là cần thiết để đảm bảo có hay không nhiễm HIV vì rất có thể thời điểm làm xét nghiệm đang trong giai đoạn cửa sổ.

Giai đoạn cửa sổ của HIV có lây không?

Trong thời kỳ cửa sổ dù có xét nghiệm âm tính nhưng thực tế virus đã xâm nhập vào cơ thể và đang sinh sôi phát triển mạnh mẽ. Nên dù là trong thời kỳ cửa sổ, người nhiễm bệnh vẫn có thể lây truyền HIV cho người khác.

Chính vì có thể lây cho người khác nên dù kết quả xét nghiệm âm tính thì người bệnh vẫn cần chủ động phòng tránh, sử dụng các biện pháp bảo vệ cho những người xung quanh trong thời gian này.

Phòng ngừa nhiễm HIV/AIDS

  • Hoạt động tình dục an toàn.
  • Không dùng chung kim tiêm, đồ chơi tình dục, đồ cắt móng tay, dao cạo…
  • Nên chọn những nơi uy tính để làm phẫu thuật và xăm mình. Đảm bảo các vật dụng được sử dụng đã được tiệt trùng.
  • Khi người mẹ mang thai nhiễm HIV, nên thông báo sớm với bác sĩ để có phương pháp bảo vệ thai nhi không bị nhiễm bệnh.